Rồng thời nhà Lý. Ảnh sưu tầm
Tượng trưng cho sự may mắn
Cùng với sự phát triển của lịch sử, từ lâu các nước phương Đông đã hình thành nên quan niệm phổ biến về con rồng. Rồng trở thành biểu tượng cho sự cao quý, quyền lực và may mắn, có ảnh hưởng to lớn và ý nghĩa sâu sắc với đời sống xã hội ở mỗi nước.
Ở Việt Nam, rồng là biểu tượng linh thiêng trong văn hóa, tín ngưỡng, nhất là liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” của người Việt. Đứng đầu trong Tứ linh “Long - Lân - Quy - Phụng”, rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, chủ của nguồn nước, mang lại sức sống cho vạn vật và con người.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Hồng Hải, xét về nội dung, biểu tượng rồng là biểu hiện của sự linh thiêng, cao quý nhất nên gắn liền với những gì liên quan đến nhà vua. Tuy nhiên, vị vua nhà Lý không độc chiếm biểu tượng rồng cho riêng mình như các bậc đế vương Trung Hoa mà khéo léo biến con rồng trở thành biểu tượng của quốc gia Đại Việt non trẻ, biến một biểu tượng nghệ thuật trở thành nguồn sức mạnh trong lòng dân khiến cho nó trở nên gần gũi hơn, hiền hòa hơn. Có lẽ từ trong sâu thẳm lòng mình, những người thợ mộc, những nghệ nhân đúc gạch, khắc đá bấy giờ đã gửi gắm vào hình tượng con rồng tình yêu quê hương đất nước và lòng tôn kính với nhà vui bằng một ngôn ngữ nghệ thuật thấm đẫm tính nhân văn. Tính nhân văn qua biểu tượng con rồng đã được biểu hiện bằng chính tâm hồn người nghệ sĩ nên chỉ có ở thời Lý, biểu tượng này mới đạt đến một đỉnh cao của ngôn ngữ biểu tượng mà các giai đoạn sau khó đạt được.
Long - Rồng ở Việt Nam còn gắn liền với tên gọi các vùng đắc địa. Thủ đô Hà Nội hơn 1.000 năm đã gắn với tên gọi Thăng Long từ sự kiện Lý Công Uẩn nhìn thấy hình ảnh rồng vàng vút bay trên trời cao. Ngoài ra, nước ta còn có vịnh Hạ Long - rồng đáp xuống, là kỳ quan thiên nhiên thế giới hay vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú được bồi đắp bởi 9 nhánh sông Mê kông.
Bộ sưu tập đồ gốm mang họa tiết rồng
Hình tượng con rồng được đưa vào đa dạng các loại hình nghệ thuật, điêu khắc của Việt Nam, trong đó phổ biến là nghệ thuật gốm. Bảo tàng Bến Tre hiện sở hữu bộ sưu tập gồm 142 hiện vật trang trí hình rồng trên gốm Việt Nam, gốm Việt Nam ký kiểu (Việt Nam đặt hàng Trung Quốc làm), gốm Trung Quốc và gốm Nhật Bản, niên đại thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Các đề tài trang trí như: viên long (rồng cuộn mình), long vân (rồng uốn lượn trong mây), lưỡng long tranh châu (hai rồng tranh quả châu), ngư long hý thủy (cá và rồng đùa giỡn với nước), song long chầu nguyệt (hai rồng chầu mặt trăng), long truy (rồng đuổi nhau), song long hý cầu (rồng đùa giỡn trên quả cầu)… Loại hình chủ yếu là đồ gia dụng như các loại: dĩa, tô, chén, muỗng, chung, tách, lọ, bình trà, thố, một số loại đồ thờ cúng.
Tham quan triển lãm hình ảnh họa tiết rồng trên gốm tại Bảo tàng Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng
Trong đó, Bảo tàng Bến Tre lựa chọn giới thiệu với công chúng 40 hình ảnh, đồ án trang trí rồng trên đồ gốm Việt Nam, gốm Việt Nam ký, gốm Trung Quốc, gốm Nhật Bản, mang thông điệp may mắn và thịnh vượng. Điển hình như: các mẫu bình Việt Nam đầu thế kỷ XX màu nâu đỏ thân bọc kim loại chạm rồng kết hợp chữ Hán (chữ Song hỷ, chữ Thọ), mẫu gốm Lái Thiêu đầu thế kỷ XX, có chén gốm men xanh trắng, lòng chén trang trí đầu và thân rồng, thành ngoài trang trí đuôi rồng, chóe gốm Lái Thiêu trang trí đồ án “long truy”, bình vôi gốm Quảng Đức thế kỷ XIX men màu xanh tím, quai đắp nổi hình rồng…
Qua hình ảnh các mẫu vật có thể nhận thấy nét đẹp vừa tương đồng vừa khác biệt trong hình tượng rồng trên gốm của các nước qua từng giai đoạn lịch sử. Càng khẳng định giá trị của biểu tượng “Con Rồng” trong đời sống văn hóa, xã hội của các quốc gia châu Á.
Trang trí linh vật chào Xuân
Năm mới Giáp Thìn, hình ảnh con giáp “Thìn - Rồng” lại được đưa vào trang trí, tạo cảnh quan rực rỡ đón chào năm mới. Mỗi tỉnh, thành, mỗi địa phương lại có phong cách thiết kế và trang trí khung cảnh Tết Rồng khác nhau. Tại Bến Tre, khu vực công viên An Hội (TP. Bến Tre) năm nay thể hiện hình tượng rồng vàng cách điệu phối hợp với các loại hoa và tiểu cảnh, góp phần tạo điểm nhấn vui tươi cho người dân du xuân, đón Tết.
Trang trí hình rồng cách điệu chào năm mới tại công viên An Hội (TP. Bến Tre). Ảnh: Thanh Đồng
Với ý nghĩa biểu tượng rồng, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cũng mạnh dạn sáng tạo và đưa hình tượng rồng vào trang trí Tết, cùng cầu mong cho năm mới nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Như trước khuôn viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đồng Khởi (BIDV Đồng Khởi) có tiểu cảnh linh vật rồng được làm hoàn toàn bằng chất liệu dừa làm tiểu cảnh nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Linh vật rồng dài 3,8m, cao 2,3m, đế ngang 1,8m, là một trong những điểm đến để người dân ghi dấu ấn trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Thanh Đồng