Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi (bìa phải) dự trao hệ thống lọc nước ngọt tại Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Ảnh: Hữu Hiệp
Thành quả nhiệm kỳ 2015 - 2020
Trong 5 năm qua, huyện đã thực hiện xuyên suốt phương châm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Đổi mới”; các chủ đề hàng năm “Khởi động”, “Tăng tốc”, “Bứt phá”, “Về đích”; các phong trào thi đua yêu nước như “Đồng khởi mới”, “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, “Đồng khởi thoát nghèo - làm giàu”; các chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”… Huyện ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X bằng 87 đầu việc để triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện đến 100% chi bộ, đảng bộ trực thuộc, các ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể, quân và dân huyện. Luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
Với hơn 18 ngàn héc-ta diện tích nuôi thủy sản và đoàn tàu đánh bắt 1.160 chiếc là tiềm năng, lợi thế lớn của địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Thủy sản là kinh tế chủ lực của địa phương, với sản lượng nuôi và đánh bắt ước đạt hơn 157 ngàn tấn thủy hải sản các loại.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong nhiều năm qua, sự chuyển dịch theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất với sự chuyển dịch giống, cây trồng, vật nuôi có áp dụng khoa học kỹ thuật được bà con nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, nhất là chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả, đất bìa chéo… sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế ổn định như trồng dừa, trồng cỏ kết hợp với chăn nuôi, trồng nhãn, bưởi da xanh, trồng màu - phong trào “Đưa cây màu xuống chân ruộng” đã được bà con nông dân các tiểu vùng I và II đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ sự chuyển dịch này, diện tích một số loại cây ăn trái tăng dần - diện tích dừa đạt 7.600ha, sản lượng 63,5 triệu trái/năm. Điều này đã giúp huyện xác định được chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp và từng bước xây dựng chuỗi giá trị trên cây dừa, nhãn và tôm biển.
Thương mại và dịch vụ phát triển khá nhanh. Toàn huyện phát triển mới 1.520 cơ sở sản xuất với tổng mức đầu tư 316 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3 ngàn lao động tại địa phương (nâng tổng số hiện nay có gần 3.000 cơ sở với tổng vốn đầu tư hơn 638 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.540 lao động). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội bình quân tăng 14,9%/năm.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 17,19% (đạt 101% chỉ tiêu nghị quyết - NQ). Hạ tầng về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển với việc quan tâm đầu tư về điện, nước và giao thông.
Kinh tế tập thể cũng được quan tâm, toàn huyện hiện có 17 hợp tác xã, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, có 510 doanh nghiệp và 3.295 hộ kinh doanh cá thể (phát triển mới 2.300 hộ), tham gia giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động tại địa phương.
Lĩnh vực du lịch phát triển vượt bậc, nhất là du lịch sinh thái gắn với phát triển kinh tế biển, với rừng và kinh tế vườn được tư nhân quan tâm đầu tư. Đây là hướng đi mới, có tính chiến lược và được huyện quan tâm, khuyến khích. Hiện có nhiều địa phương có lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái gắn với kinh tế vườn và biển, đang cần có sự đầu tư của các doanh nghiệp, tư nhân như xã Phú Long, Thạnh Phước, Thừa Đức, Định Trung…
Trên lĩnh vực xây dựng NTM và đô thị, đã xây dựng thành công 4 xã NTM; các xã Thới Lai, Thạnh Phước, Lộc Thuận, Long Định đạt 15 tiêu chí NTM, các xã còn lại đạt từ 7 - 12 tiêu chí. Thị trấn Bình Đại đạt chuẩn đô thị loại IV; Lộc Thuận đạt chuẩn đô thị loại V; Châu Hưng đạt 54/59 tiêu chí đô thị loại V.
Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản ước đạt 7,31% (NQ từ 5 - 6%) công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 18% (NQ 17%), tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 14,9% (NQ 14,3%).
Tổng nguồn vốn huy động đầu tư đạt hơn 9.150 tỷ đồng (NQ 9.000 tỷ đồng), trong đó, chủ yếu chi cho đầu tư phát triển với các công trình trọng điểm phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án đê biển từ cống đập Ba Lai đến Vũng Luông, cầu Yên Hào (xã Thới Thuận) đến Cống Bể; Dự án đê sông Tiền và các cống dưới đê từ Long Định đến Định Trung, kè chống sạt lở bờ sông An Hóa, đường huyện 07 đoạn từ vòng xoay Bến Đình đến Định Trung…
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo với chất lượng dạy và học, hệ thống trường lớp được quan tâm đúng mức. Có 18/62 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được chú trọng với sự quan tâm của toàn xã hội, với tổng số trên 6 tỷ đồng.
100% trạm y tế có đủ bác sĩ và 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,92% (NQ 80%). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân được quan tâm đầu tư với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn huyện còn có 11 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 2 di tích kiến trúc nghệ thuật và 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong nhiệm kỳ, huyện đã xây dựng, sửa chữa và bàn giao 332 nhà tình nghĩa, 500 nhà tình thương; trợ cấp cho trên 24 ngàn lượt người nghèo, người có công, bảo trợ xã hội. Giải quyết việc làm mới hàng năm cho hơn 1.400 lao động; có 346 lao động tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,27% (NQ 60%).
Đoàn tàu đánh bắt xa bờ huyện Bình Đại. Ảnh: Đ. Chính
Mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025
Bí thư Huyện ủy Lê Văn Răng cho biết: Triển khai thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện qua từng năm với nhiều khó khăn, thử thách với sự biến đổi khí hậu như: hạn mặn các năm 2016 và cuối năm 2019 đầu năm 2020, dịch Covid-19, tình hình giá cả hàng nông sản bấp bênh… Nhưng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, sự điều hành, chỉ đạo của UBND huyện và sự nhập cuộc của Mặt trận và hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn, 87 đầu việc với 12 nhóm nhiệu vụ, giải pháp trọng tâm được Huyện ủy cụ thể hóa triển khai, thực hiện thì đã có 22/26 chỉ tiêu NQ của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 được thực hiện đạt và vượt ở mức cao.
Với chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025; đưa Bình Đại phát triển trong nhóm đầu của tỉnh vào năm 2030. Đại hội đã đề ra phương châm hành động xuyên suốt cả nhiệm kỳ là “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Phát triển”.
Mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân Bình Đại, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, đồng tâm hiệp lực tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy truyền thống văn hóa và xây dựng con người Bình Đại theo hướng năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện và mến khách, tạo nền tảng thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tập trung xây dựng đạt chuẩn huyện NTM và đô thị ven biển. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; đến năm 2030 đưa Bình Đại phát triển trong nhóm đầu của tỉnh.
Đại hội đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá là phát triển kinh tế thủy sản theo hướng tăng năng suất, chất lượng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử truyền thống cách mạng góp phần phát triển kinh tế biển.
Công tác xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, chú trọng với việc đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính như Trung tâm Y tế huyện (gồm Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục cộng đồng với trung tâm văn hóa - thể thao của 20 xã, thị trấn. Triển khai thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND của 3 xã Vang Quới Tây, Bình Thới và Long Hòa, mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND xã cho 12/20 xã, thị trấn. Xây dựng 63 mô hình kiêm nhiệm cho cấp xã, ấp và khu phố.
Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, nhân dân trên địa bàn hưởng ứng. Trong 5 năm qua, có 67 tập thể và 312 cá nhân được tuyên dương gương điển hình tiên tiến. huyện hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới với hơn 800 đảng viên, vượt chỉ tiêu so với NQ đề ra.
Xây dựng thành công 2 chi bộ ấp đạt “trong sạch, vững mạnh toàn diện” theo tinh thần NQ số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy. Công tác dân vận trong hệ thống chính trị theo hướng “Gần dân, sát cơ sở” cùng các chủ trương “tháo điểm nghẽn” trong công tác tuyên truyền, vận động, chủ trương của Tỉnh ủy về “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” đã kịp thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân…
|
Thành Lập