BDK.VN - Tối 26-11-2024, ngay sau khi kết thúc phiên họp Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 29 để thẩm tra: (1) Tờ trình của Chính phủ và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025; (2) Đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 4 dự án luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Luật sư (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp.
Chủ trì phiên họp gồm có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng vàcác Phó Chủ nhiệm: Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành, Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên, Nguyễn Thị Mai Phương. Tham dự phiên họp có các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Cùng dự phiên họp còn có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025: giảm 1 ĐVHC cấp huyện và giảm 18 ĐVHC cấp xã.
Báo cáo tại phiên họp về nội dung sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, đối với cấp huyện, nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư.
Đối với cấp xã, sắp xếp 34 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, trong đó có 22 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 10 đơn vị liền kề và 02 đơn vị thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng 02 xã để hình thành 16 ĐVHC cấp xã mới. Như vậy, sau sắp xếp, đã giảm 01 ĐVHC cấp huyện, và giảm 18 ĐVHC cấp xã. Đồng thời, có 12 xã/34 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện sắp xếp do có các yếu tố đặc thù quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Kết luận nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ, tán thành việc thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời cơ bản nhất trí với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025. Hồ sơ Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, các bộ ngành có liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành các nội dung về phân loại, đánh giá trình độ phát triển đô thị theo đúng nội dung cam kết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra theo đúng quy định, trình UBTVQH xem xét, quyết định.
Bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với nội dung cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp đối với Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đồng thời, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết bổ sung 04 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khắc phục bất cập hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn về tính cấp thiết và thứ tự ưu tiên của các dự án luật, dự thảo Nghị quyết nhằm đảm bảo tính khả thi.
Liên quan tới thời điểm trình, thứ tự ưu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự án Luật Báo chí (sửa đổi), các ý kiến đều nhất trí như đề xuất của Chính phủ về bổ sung Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), có ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2026) - (lùi 01 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ). Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhất trí như đề xuất của Chính phủ, theo đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2025) như đề xuất của Chính phủ.
Đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đa số ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10; trường hợp chuẩn bị bảo đảm chất lượng, đạt sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội thì UBTVQH phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Căn cứ vào các định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật trong Đề án được Bộ Chính trị thông qua, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách cụ thể và soạn thảo dự án Luật để trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định.