Học sinh trường THPT Ngô Văn Cấn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022-2023.
Theo đó, kỳ thi sẽ gồm 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn do học sinh lựa chọn trong số các môn học trong chương trình lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Kết quả thi vừa để xét công nhận Tốt nghiệp THPT, vừa để đánh giá tình hình dạy và học của các địa phương đồng thời là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp xét tuyển theo tinh thần tự chủ.
Thông tin về quyết định chọn phương án này, Giáo sư Huỳnh Thanh Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay hai từ khóa lớn nhất để chọn phương án thi là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội.
“Chúng tôi đã phân tích đa chiều và lấy ý kiến rất nhiều trước khi quyết định phương án thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,” ông Chương nói.
Theo ông Chương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của nhà nước, của ngành Giáo dục và Đào tạo liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận Tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 4/11/2013 yêu cầu “đổi mới phương thức thi và công nhận Tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.”
Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội yêu cầu “đổi mới phương thức thi và công nhận Tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.” Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10-9-2023 của Chính phủ yêu cầu “sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội.”
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bám sát các quy định liên quan đến thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành. Cụ thể, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 nêu rõ “học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng Tốt nghiệp THPT.”
Phương án thi cũng bám sát mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: “Giáo dục THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.”
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng quy định: Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Chương, phương án thi trên cũng kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015-2023, chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi Tốt nghiệp THPT.
Nguồn: Vietnam+