Chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy đậu

10/01/2025 - 06:06

BDK - Hiện nay, thời tiết bắt đầu trở lạnh nên mức độ mắc truyền nhiễm và hô hấp có chiều hướng gia tăng, trong đó có bệnh thủy đậu. Từ tháng 12-2024 đến nay, tỉnh đã ghi nhận gần 300 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Ngành y tế nhận định trong thời gian tới, thủy đậu sẽ tiếp tục bùng phát nếu người dân không chủ động phòng ngừa.

Phun thuốc khử khuẩn tại Trường THCS TP. Bến Tre.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh

Theo báo cáo giám sát ổ dịch của Trung tâm Y tế TP. Bến Tre, ngày 3-1-2025, Trường THCS TP. Bến Tre phát hiện ca bệnh thủy đậu đầu tiên. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, nhà trường liên hệ với gia đình và cho học sinh về nhà để cách ly, điều trị. Tính đến ngày 8-1-2025, trường ghi nhận thêm 15 trường hợp mắc thủy đậu, nâng tổng số 16 ca mắc, tập trung ở khối lớp 8. Hiện các em học sinh mắc bệnh đều được nhà trường cho nghỉ học từ 7 - 10 ngày từ khi khởi phát, điều trị tại nhà, không có ca tăng nặng.

Hiệu trưởng Trường THCS TP. Bến Tre Phạm Thị Thúy Hằng cho biết: Khi ghi nhận ổ dịch, nhà trường đã thông báo và tuyên truyền tài liệu về biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu cho giáo viên triển khai đến phụ huynh học sinh qua nhóm Zalo của lớp. Yêu cầu học sinh đeo khẩu trang và khử khuẩn khi đến lớp, đồng thời theo dõi tình hình các học sinh mắc bệnh phải nghỉ học. Cùng với đó, toàn bộ khuôn viên trường học, đặc biệt là các lớp học, khu nhà vệ sinh đã được khử khuẩn bằng Cloramin B...

Từ tháng 12-2024 đến nay, TP. Bến Tre đã ghi nhận 21 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, không có ca bệnh nặng và tử vong. Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, UBND TP. Bến Tre đề nghị Trung tâm Y tế thành phố giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý triệt để dịch bệnh thủy đậu. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu và điều trị. Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về phòng chống dịch bệnh tại các xã, phường và trường học. Tiếp tục thực hiện Phương án số 4916/PA-SYT ngày 27-12-2024 của Sở Y tế về phương án phòng chống bệnh thủy đậu. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, các trường học trực thuộc UBND TP. Bến Tre phối hợp cùng ngành y tế theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, nếu có ghi nhận ca bệnh kịp thời phối hợp xử lý.

Biện pháp phòng ngừa

Thông tin thêm các ca mắc thủy đậu trên địa bàn tỉnh, Bác sĩ Trần Hưng Nam - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hầu hết các ca bệnh không có dấu hiệu diễn hình nên rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh truyền nhiễm do vi-rút khác. Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu hiệu quả, ngay sau khi có dấu hiệu của bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán, hướng dẫn điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Thời tiết hiện nay thay đổi thất thường khiến các dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa như: cúm, sởi, thủy đậu, tay chân miệng phát triển, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm này dễ lây nhiễm chéo trong môi trường đông người, tiếp xúc gần: trường học, xí nghiệp… Để tăng cường phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là bệnh thủy đậu, cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Bác sĩ Trần Hưng Nam khuyến cáo người đang mắc thủy đậu thực hiện nghiêm biện pháp “2K” (khẩu trang - khử khuẩn); sử dụng các vật dụng cá nhân riêng biệt nhằm hạn chế lây lan cho người khác; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Nghỉ học hoặc nghỉ làm việc ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban, kèm theo bóng nước khô vảy hoàn toàn hoặc khi có giấy xác nhận khỏi bệnh của bác sĩ điều trị. Hướng dẫn những người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc thủy đậu thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Đối với người chưa mắc thủy đậu nên tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người đang mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, thực hiện tốt biện pháp “2K”. Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc thủy đậu thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

“Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) là một bệnh cấp tính do vi-rút Varicella-Zoster gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, qua dịch tiết từ các nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Thủy đậu là bệnh lành tính, tuy nhiên tốc độ lây lan nhanh chóng, có thể gây thành dịch bệnh trong thời gian ngắn”.

(Bác sĩ Trần Hưng Nam - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN