Hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT

07/08/2023 - 06:21

BDK - Thực hiện Kế hoạch số 4620/KH-UBND ngày 17-9-2019 của UBND tỉnh về Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh (HS) trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, năm 2023, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác phân luồng, tư vấn tuyển sinh, du học và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho HS sau tốt nghiệp THCS, THPT tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Học sinh THCS huyện Mỏ Cày Nam tham quan lớp dạy nghề tại Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre. Ảnh: M. Phước

Học sinh THCS huyện Mỏ Cày Nam tham quan lớp dạy nghề tại Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre. Ảnh: M. Phước

Từ nhu cầu của xã hội

Hàng năm, tỉnh có khoảng 14.500 HS tốt nghiệp THCS. Trong đó, có 10.500 HS trúng tuyển vào lớp 10 THPT (còn lại khoảng 4.000 HS/năm); khoảng 11.700 HS tốt nghiệp THPT. Đây là lực lượng lao động cần định hướng thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng công tác phân luồng HS trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2018 - 2025. 

Những năm qua, tỉnh đã phối hợp, liên kết tổ chức hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề, du học và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho đối tượng HS THCS, THPT giữa các trường: Trung cấp Công nghệ Bến Tre, Cao đẳng Bến Tre, Cao đẳng Đồng Khởi, các công ty cung ứng dịch vụ lao động và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên… Đây là bước đi đúng hướng nhằm góp phần thực hiện tốt Kế hoạch số 4620/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 và Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030”.

Từ công tác phân luồng, tư vấn tuyển sinh, giải quyết việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực trong toàn hệ thống chính trị cũng như HS và phụ huynh. Nhiều loại hình đào tạo như từ xa, vừa làm vừa học… ngày càng thuận lợi hơn, giúp người học có thể chọn cho mình phương thức học tập phù hợp. Lợi ích lớn nhất là tạo được môi trường đào tạo ngay chính tại địa phương, giúp người học giảm tối đa các chi phí cho việc ăn học.

Đa dạng ngành nghề

Để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030, tỉnh tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn. Lĩnh vực quan trọng, chủ lực mang tính đột phá là ngành du lịch (DL). Vì vậy, tỉnh cần trên 46 ngàn lao động phục vụ cho ngành DL với các ngành hướng dẫn viên DL, nghiệp vụ điều hành DL, nghiệp vụ lễ tân, quản lý nhà hàng, khách sạn, chuyên viên ẩm thực… thông qua các loại hình DL sinh thái, trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, điểm đến nghỉ dưỡng ngắn hạn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre cho biết: Trường có Khoa Văn hóa - Nghệ thuật và DL, thành lập từ Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Bến Tre năm 2018. Hiện khoa này đang đào tạo ngành Cao đẳng Việt Nam học, chuyên ngành Văn hóa - DL với gần 30 sinh viên sau khi ra trường sẽ hoạt động trong ngành DL. Thực hiện Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, trường đề ra những nhiệm vụ và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực ngành DL cho tỉnh, mở thêm mã ngành hướng dẫn viên DL trình độ cao đẳng. Mỗi năm tuyển 40 sinh viên, dự kiến tuyển sinh vào đầu năm học mới 2023-2024. Ngoài ra, trường còn xây dựng kế hoạch chuẩn bị điều kiện ở các mã ngành tiếng Anh DL vào năm 2024.

Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre Hồ Long Biên cho biết: Thực hiện mục tiêu đưa DL tỉnh thành ngành kinh tế quan trọng năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, từ năm học 2022-2023, trường đã đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn nhằm tạo nguồn lực có tay nghề phục vụ cho phát triển ngành DL, nhà hàng, khách sạn của tỉnh. Để tạo nguồn nhân lực DL, năm tiếp theo, trường sẽ liên kết đào tạo thêm hướng dẫn viên DL, nghiệp vụ nhà hàng, pha chế, tiếp tân…

Năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác hướng nghiệp, giúp cho phụ huynh, HS hiểu được mục tiêu của việc phân luồng sau THCS, THPT, giúp mỗi HS tự nhận biết khả năng, năng lực của mình nhằm chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội. Tổ chức hướng nghiệp cho HS bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, thiết thực, gắn hoạt động dạy học với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngành nghề của địa phương.

 “Điều quan trọng nhất là HS phải hiểu bản thân, hiểu năng lực và điều mình mong muốn, mạnh dạn trao đổi với cha mẹ, thầy cô về nhu cầu cũng như khó khăn để được hỗ trợ. Các em sẽ phát triển tốt nhất khi được học và làm việc trong môi trường mình thích”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre chia sẻ.

Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, năm 2022,  tỉnh có 2.026 người lao động đã tốt nghiệp THPT trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt tỷ lệ 101,3%. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh trúng tuyển 1.299 người đi làm việc tại Nhật Bản có thời hạn theo hợp đồng, đạt 64,75% chỉ tiêu kế hoạch. Thu nhập bình quân của người lao động từ 25 - 30 triệu đồng/tháng, chưa tính thêm tiền tăng ca. 

Anh Đào

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN