Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất

13/11/2012 - 10:31
May hàng xuất khẩu tại Công ty Thành Kiều (Ba Tri).

Theo Sở Công Thương, để nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN), xác định những thuận lợi, khó khăn để có giải pháp hỗ trợ, Sở đã tiến hành điều tra, khảo sát một số DN hoạt động sản xuất công nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, toàn tỉnh có 314 DN hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, nên Sở quyết định chọn 94 đơn vị (chiếm 30% tổng số DN) để khảo sát. Trong đó, có 49 DN giữ nguyên qui mô sản xuất kinh doanh, chiếm 58%; 16 DN tăng qui mô sản xuất, 17 DN giảm qui mô sản xuất. Nhìn chung, 9 tháng đầu năm 2012 các DN hoạt động tương đối ổn định, có 78,50% DN tăng và giữ nguyên qui mô (62/79 DN). Về thiết bị công nghệ, có 27 DN có máy móc thiết bị tốt, 44 DN trung bình, 5 DN chưa tốt. Về vốn vay ngân hàng, có 17 DN có vai vốn với lãi suất dưới 15%, chiếm 21%. Thực hiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiêp theo Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đã có 18 DN được hưởng ưu đãi, chiếm 22,78%, chủ yếu là gia hạn nộp thuế, giảm thuế. Theo kết quả khảo sát, hiện trạng máy móc thiết bị của DN phần lớn đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Các chính sách ưu đãi cho DN trong năm 2012 như hỗ trợ lãi suất thấp, chính sách thuế được DN tiếp cận nhưng tỷ lệ chưa cao, chiếm dưới 23%. Trong sản xuất kinh doanh, qua kết quả khảo sát 51 DN cho thấy tổng doanh thu 9 tháng qua đạt 2.424 tỷ đồng, tương đương 94% doanh thu năm 2011. Dự kiến doanh thu cả năm sẽ đạt 3.863 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2011. Có 33 DN có lãi và 10 DN bị lỗ. Cả năm có thể sẽ có 51 DN có lãi, với số tiền 95,7 tỷ đồng. Nhiều DN có đầu tư đổi mới trang thiết bị, vốn cố định tăng 5,5%. Có 10.763 lao động được giải quyết việc làm, tăng 639 người, tăng 31% so với năm 2011.

  Theo đánh giá chung, có 54 DN gặp khó khăn về thị trường, 36 DN khó khăn về tài chính, 25 DN khó khăn về huy động nguyên liệu, 23 DN khó khăn về lao động, 21 DN khó khăn về thủ tục hành chính, 16 DN gặp khó khăn về điều kiện hạ tầng. Như vậy, khó khăn phổ biến nhất là việc tiêu thụ hàng hóa, tài chính, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trong đó, khó khăn lớn nhất của DN là nhu cầu thị trường giảm (51 DN), chiếm 68,35%; cạnh tranh về giá giữa các DN có 51 DN, chiếm 65%; huy động vốn do lãi suất ngân hàng cao có 36 DN, chiếm 45,57% và 32 DN thiếu vốn sản xuất.

Theo khảo sát, trong năm 2013 sẽ có 47 DN giữ nguyên qui mô sản xuất; 26 DN tăng qui mô sản xuất; 5 DN giảm qui mô sản xuất; 1 DN tạm ngưng hoạt động. Giải pháp trong thời gian tới sẽ có 47 DN mở rộng thị trường, chiếm 59%; 41 DN cắt giảm chi phí; tăng chất lượng và giá trị sản phẩm có 36 DN; đa dạng hóa sản phẩm có 29 DN; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật 25 DN, thực hiện liên kết 7 DN cùng 30% số DN khảo sát đều có kế hoạch nâng cao năng lực quản lý, quản trị DN, tái cấu trúc và đa dạng hóa nguồn vốn, tham gia Hiệp hội DN, đào tạo nâng cao tay nghề, năng suất lao động.

Như vậy, có thể thấy rằng các giải pháp chính của DN là mở rộng thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm, cắt giảm chi phí để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Cho nên, việc DN cần hỗ trợ là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, điều chỉnh giá cả, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN