Cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường và mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ

27/11/2024 - 18:58

BDK.VN - Chiều 27-11-2024, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Nhà nước cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng nước giải khát có đường (NGKCĐ) và mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ với các lý do.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi thảo luận.

1. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường

Thứ nhất, cơ sở để áp thuế TTĐB đối với NGKCĐ quy định tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 02/QĐ-TTg được ban hành căn cứ vào Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ đề ra nhiệm vụ: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng” và “giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành”, Nghị quyết số 20-NQ/TW không đề ra nhiệm vụ tăng thuế TTĐB đối với NGKCĐ vì lý do bảo vệ sức khỏe nhân dân và cũng không đề ra chỉ tiêu giảm béo phì ở trẻ em.

Thứ hai, tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát không phải lúc nào cũng tăng, giai đoạn 2013 - 2020 tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát chỉ tăng bình quân 3,2 lít/người/năm, tăng từ 47,65 lít/người năm 2013 lên 70,56 lít/người năm 2020, tương đương 0,3lít/tháng.

Nhưng chỉ trong 1 năm, năm 2021 tỷ lệ tiêu thụ NGKCĐ lại giảm còn 55 lít/người/năm, tức là giảm đến 15,56 lít/người/năm mặc dù không có biện pháp áp thuế TTĐB.

Như vậy, qua báo cáo đánh giá tác động cho thấy việc tiêu thụ NGKCĐ không phải lúc nào cũng tăng, mà còn có xu hướng giảm, chỉ trong 1 năm tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát giảm gấp 5 lần tỷ lệ tăng trong bình quân 7 năm mặc dù chưa có biện pháp áp thuế.

Hơn nữa, số liệu trong báo cáo đánh giá tác động cũng chưa được cập nhật và theo dõi liên tục, cụ thể năm 2022, 2023 không có số liệu. Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng không nêu rõ việc tiêu thụ NGKCĐ ở người bị béo phì có tương quan thế nào với số lượng NGKCĐ và tương quan thế nào với số lượng NGKCĐ có lượng đường cao hơn 5g/100ml được người béo phì tiêu thụ mỗi năm.

Thứ ba, theo đánh giá của Tổ chức y tế thế giới (WHO), cứ tăng 10% giá NGKCĐ có thể làm giảm tiêu thụ khoảng 8-10% lượng NGKCĐ, do đó sẽ dẫn đến giảm sâu răng, béo phì và tiểu đường. Tuy nhiên, đánh giá này thiếu số liệu cụ thể và cơ sở khoa học chứng minh mối quan hệ giữa việc tăng thuế và giảm thừa cân, béo phì như đã được phân tích ở trên.

Thứ tư, việc áp thuế TTĐB lên NGKCĐ có thể sẽ không làm người tiêu dùng từ bỏ tiêu thụ NGKCĐ, mà chỉ làm cho họ chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang các đồ uống đường phố không bị ảnh hưởng bởi thuế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo một khảo sát vào năm 2018, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 10% đối với nước giải khát đóng chai thì 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang các loại nước giải khát chế biến tại chỗ bán trên đường phố mà khó có cơ quan quản lý nào có thể xác định được lượng đường trong các loại đồ uống này. Điều này vừa gây thất thu thuế, vừa đi ngược lại mục tiêu xây dựng luật là mở rộng cơ sở thuế và nâng cao sức khỏe của cộng đồng.

Thứ năm, các nghiên cứu khoa học của các cơ quan dinh dưỡng cũng như của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế  đều chỉ ra rằng NGKCĐ không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân, béo phì.

Có nhiều nguyên nhân gây thừa cân, béo phì như thiếu cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao, bệnh di truyền, và thiếu vận động thể chất, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn cũng là nguy cơ của bệnh thừa cân, béo phì.

Thực tiễn cho thấy, không phải quốc gia nào áp thuế TTĐB lên NGKCĐ cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì: như Brunei, Mê-xi-cô, Philippines, Ấn độ, Chile, Phần Lan, Bỉ là những quốc gia đã áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng đều. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với NGKCĐ như Nhật Bản hay Xing-ga-po lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.

Theo một nghiên cứu về thực trạng và thói quen ăn uống của trẻ em do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2017 đối với hơn 5,000 trẻ em độ tuổi học đường thì những loại thực phẩm được học sinh phổ thông ở cả thành thị và nông thôn sử dụng nhiều nhất là ngũ cốc, chất đạm, chất béo, sữa và các sản phẩm từ sữa; theo sau mới là các loại thực phẩm có đường như bánh, kẹo, kem, … và nhóm cuối cùng là các loại đồ uống khác như nước mía, nước ép trái cây, trà sữa, và các loại nước ngọt.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ học sinh ở khu vực nông thôn tiêu thụ các loại thực phẩm có đường, bao gồm cả đồ uống có đường cao hơn so với trẻ em ở thành thị, nhưng trẻ em nông thôn lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp hơn trẻ em ở khu vực thành thị. Khảo sát cũng chỉ ra rằng trẻ em khu vực nông thôn có tần suất vận động và hoạt động thể lực nhiều hơn so với trẻ em ở thành thị.

Thứ sáu, theo định nghĩa tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, không phải là mức giới hạn để đảm bảo an toàn và sức khỏe con người. Nếu lấy hàm lượng đường theo tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) để làm cơ sở áp thuế TTĐB đối với NGKCĐ có thể dẫn đến vướng mắc đối với các sản phẩm nước trái cây tự nhiên hay các sản phẩm nhập nhập khẩu không được sản xuất theo TCVN song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Cụ thể, như nước dừa đóng hộp, không cần thêm đường, nước dừa tự nhiên đã có lượng đường tương đương 6-7g/100ml. Nếu chiếu theo TCVN, thì nước dừa đóng hộp có thể được liệt vào nhóm chịu thuế TTĐB.

Nếu áp thuế TTĐB với nước dừa không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp chế biến dừa đang kiệt quệ sau Covid-19 của tỉnh Bến Tre; mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa vì  không tiêu thụ được trái dừa, nguy cơ phải đốn dừa trồng cây khác, trong khi cây dừa là cây thích ứng với biến đổi khí hậu, cây dừa có thể chịu được hạn, chịu được ngập và rễ dừa chống xói lở đất.

Nhiều nghiên cứu cho thấy uống nước dừa tốt cho sức khỏe, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra uống nước dừa dẫn đến thừa cân, béo phì. Do đó, chưa đủ cơ sở khẳng định áp thuế TTĐB đối với nước dừa sẽ làm giảm bệnh thừa cân, béo phì, nhưng áp thuế TTĐB đối với nước dừa có khả năng dẫn đến thất thu ngân sách của các địa phương có trồng dừa và thậm chí Trung ương còn phải hỗ trợ ngân sách cho các địa phương trồng dừa để khắc phục thiên tai do mất cây dừa.    

Do vậy, đại biểu cho rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo TCVN vào đối tượng chịu thuế TTĐB để đảm bảo mục tiêu của chính sách là bảo vệ sức khỏe người dân.

2. Đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ

Trong xu thế biến đổi khí hậu nhanh như hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành sản phẩm thiết yếu, phổ thông và được sử dụng cho mọi người, mọi nhà. Nhất là trong điều kiện thời tiết trở nên nóng bức, hay mùa đông quá lạnh giá gây nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người dân thì điều hòa là thiết bị không thể thiếu vì nó giúp điều hòa không khí, lọc sạch bụi bẩn và vi khuẩn.

Hơn nữa, khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên hầu hết sản phẩm này được sản xuất theo công nghệ tiết kiệm điện. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại việc tiếp tục đưa mặt hàng điều hòa công suất dưới 90.000 BTU vào nhóm các sản phẩm chịu thuế TTĐB. Trường hợp vẫn tiếp tục duy trì mặt hàng này, đại biểu đề nghị chỉ áp thuế TTĐB đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công bằng giữa các sản phẩm điều hòa, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm đánh giá về việc chưa thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa có công suất lớn hơn 90.000 BTU.

Tin, ảnh: Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN