Cảnh giác với dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

27/12/2020 - 07:20

BDK.VN - Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y, từ giữa tháng 10-2020 đến tháng 12-2020, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên gia súc lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam.

Bệnh VDNC đã xảy ra tại 9 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Hà Nam, làm tổng số hơn 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 140 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Nhận định nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao do: Bệnh lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh; dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng do các véc tơ truyền bệnh gồm: Ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh; tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò các tháng cuối năm gia tăng mạnh; thời tiết thay đổi.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò. Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, nhất là ngăn chặn không để lây lan đến các vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm.

Chỉ thị nêu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC theo đúng quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Công điện khẩn số 7575 ngày 31-10-2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao: Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng… tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Được biết, tổng đàn bò toàn tỉnh Bến Tre hiện có 225 ngàn con, đàn trâu 202 con. Chăn nuôi bò tập trung nhiều nhất ở huyện Ba Tri, kế đến là các huyện: Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc. Chủ yếu là chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ cao, bình quân 3 đến 5 con/hộ.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y vừa có văn bản gởi UBND các huyện, thành phố; Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố về việc triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng tiêu độc là các cơ sở chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ; các cơ sở ấp trứng; các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ hóa chất để tiêu độc cho hộ chăn nuôi nông hộ. Trong đó, UBND các xã tổ chức tiêu độc cho hộ chăn nuôi nông hộ có số lượng nuôi gia súc, gia cầm như: Trâu, bò các loại: dưới 30 con/hộ; dê, cừu các loại: dưới 200 con/hộ; heo các loại: dưới 60 con/hộ. gà, vịt các loại: dưới 3.330 con/hộ;  chim cút: dưới 33.330 con/hộ.

Riêng các hộ nuôi có số lượng gia súc, gia cầm lớn hơn số lượng nêu trên, chủ nuôi tự lo vật tư, hóa chất để thực hiện vệ sinh tiêu độc dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và thú y cơ sở. Nguồn hóa chất, sử dụng nguồn tồn năm 2020 chuyển sang phòng dịch năm 2021. Loại hóa chất sử dụng là NAVET-IODINE. 

Đối với các hộ chăn nuôi nông hộ, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã vận động các hộ được phun xịt đóng góp tiền công cho người trực tiếp đi phun. Các cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm; cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; điểm trung chuyển gia súc, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa và lớn tự lo vật tư, hoá chất, kinh phí, tổ chức thực hiện. Các chợ, quầy sạp thịt thực hiện theo chương trình tiêu độc định kỳ; chợ nơi buôn bán gia cầm sống do Ban quản lý chợ tự lo hoá chất và kinh phí thực hiện.

* UBND tỉnh vừa có kế hoạch Phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre  giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của Bến Tre thuộc nhóm các tỉnh có hoạt động chăn nuôi tiên tiến trong cả nước.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh có hoạt động chăn nuôi tiên tiến trong cả nước. Ảnh: T.Thảo

Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh có hoạt động chăn nuôi tiên tiến trong cả nước. Ảnh: T.Thảo

Đồng thời, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu phát triển các loại hình chăn nuôi với quy mô trang trại và chăn nuôi quy mô khác đạt từ 30 đến 50%. Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến sản lượng thịt các loại đạt từ 350 đến 400 ngàn tấn. Trong đó thịt heo từ 55 đến 60%, thịt gia cầm từ 15 đến 20%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 đến 15%. Dự kiến sản lượng trứng gia cầm đến năm 2025 đạt từ 100 đến 150 triệu quả trứng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 150 đến 170 triệu quả trứng.

Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 20% và 10% vào năm 2025, khoảng 30% và 20% vào năm 2030. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 35 đến 40% vào năm 2025, từ 45 đến 50% vào năm 2030. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.  

Vận động các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh đầu tư xây dựng tối thiểu 2 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp thành phẩm cho gia súc, gia cầm và thủy sản bằng nguồn thức ăn truyền thống hiện có trong tỉnh. Nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh. Kêu gọi đầu tư 2 đến 3 nhà máy chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2045, chăn nuôi Bến Tre là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi gồm: Chính sách đất đai, chính sách tài chính và tín dụng, chính sách thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ và hợp tác; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi…

T. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN