Cao cả tấm lòng người mẹ Việt Nam anh hùng

29/04/2020 - 07:15

BDK - Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, toàn tỉnh có hơn 35 ngàn liệt sĩ, 20 ngàn thương bệnh binh, gần 100 ngàn người đóng góp công sức, xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc. Toàn tỉnh có hơn 6,6 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Trong kháng chiến hay trong thời bình, các mẹ luôn sẵn sàng hy sinh, đóng góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng quê hương.

Hy sinh vì Tổ quốc

Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng quê hương, có những người mẹ gần như hy sinh tất cả những người thân yêu của mình. Điển hình là mẹ VNAH Võ Thị Biện (xã An Khánh, huyện Châu Thành). Cả gia đình mẹ đều tham gia cách mạng. Riêng bản thân mẹ vừa lo toan ruộng vườn, vừa tham gia tổ chức “Hội mẹ nuôi quân”. Chiến tranh ác liệt, các con của mẹ đã lần lượt hy sinh. Rồi gia đình mẹ có đến 8 người là liệt sĩ, gồm: chồng mẹ, 6 người con ruột, 1 người con rể; trong đó, có 3 người con chưa tìm được hài cốt. Mẹ Võ Thị Biện lâm bệnh và qua đời ở tuổi 69 trước Ngày miền Nam giải phóng một năm.

Hay như câu chuyện của mẹ Ngô Thị Hối (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách) đã bán hết tài sản của mình để góp sức nuôi dưỡng thương binh. Mẹ có tất cả 6 người con, 2 người con trai lớn tham gia kháng chiến, là bộ đội đặc công lưu động. Ở hậu phương, mẹ đào hầm bí mật tại nhà để tạo điều kiện cho cán bộ cách mạng hoạt động, hầm rộng chứa hơn 10 người. Năm 1964, mẹ được một ông thầy thuốc hướng dẫn kiến thức về sử dụng thuốc Tây và chăm sóc thương binh. Từ lúc này,  ngoài làm giao liên, tiếp tế thuốc men cho bộ đội, mẹ còn tham gia chăm sóc thương binh tại các điểm bí mật chứa thương binh.

Năm 1968 là giai đoạn ác liệt, chiến sĩ bị thương rất nhiều, lượng thuốc men, dụng cụ y khoa của tổ chức cách mạng cung ứng có lúc không đủ, không kịp gửi đến. Thấy tình thế cấp bách, không hề do dự, mẹ quyết định bán hết 6 con trâu để lấy tiền mua thuốc men chăm sóc thương binh. Bản thân mẹ từng bị địch bắt, đánh đập, tra khảo. Đỉnh điểm của những trận đòn là chúng dùng đến kẹp tra tấn để kẹp xiết vào chân mẹ đến nỗi mẹ bị mất lõm cả phần thịt cẳng chân phải (đến nay vẫn còn vết thẹo). Ngày giải phóng trở về, mẹ mới biết tin hai người con trai của mẹ đã hy sinh trong quá trình chiến đấu (cuối năm 1972).

Không chỉ có mẹ Biện, mẹ Hối, mà trên mảnh đất ba dải cù lao đã có hàng ngàn người mẹ tương tự, kiên trung, bất khuất. Có mẹ làm hậu phương động viên con chiến đấu, có mẹ trực tiếp tham gia vào công cuộc kháng chiến. Các mẹ là những tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

Gương sáng cho con cháu

Những hy sinh to lớn của các mẹ đã được Đảng, Nhà nước và toàn dân trân trọng, ghi ơn bằng nhiều hoạt động thiết thực. Bản thân các mẹ (còn sống) cũng đã tiếp tục là những tấm gương để giáo dục con cháu sống tốt, góp sức xây dựng phát triển quê hương bằng nhiều việc làm thiết thực.

Mẹ Lê Thị Đấu đã có nhiều đóng góp xây dựng cho địa phương.

Mẹ Lê Thị Đấu đã có nhiều đóng góp xây dựng cho địa phương.

Mẹ VNAH Lê Thị Đấu (ấp Bình An, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) là một minh chứng. Trong chiến tranh, mẹ có một người con trai duy nhất tham gia ở Tiểu đoàn 516 bộ đội địa phương đã hy sinh. Với tâm niệm trọn đời vì cách mạng, mẹ tiếp tục đóng góp cho địa phương trong giai đoạn mới. Từ tiền tích cóp và huê lợi vườn tược, năm 2014, mẹ Đấu đóng góp 75 triệu đồng để xây dựng cầu trên tuyến đường ở ấp Bình An, xã Châu Bình để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Tiếp tục trong năm 2019, mẹ Đấu đã đóng góp 150 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp đền thờ liệt sĩ xã và tặng 100 triệu đồng để tôn tạo đình xã Châu Bình. Mẹ còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất, hoa màu xây dựng lộ nông thôn, với tổng giá trị hơn 150 triệu đồng.

Mẹ Lê Thị Nghi đã tích cực ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Mẹ Lê Thị Nghi đã tích cực ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Mẹ VNAH Trương Thị Nghi (ấp An Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam), có 2 người con trai tham gia kháng chiến và hy sinh. Bản thân mẹ Nghi vừa là hậu phương cho các con vững lòng tham gia cách mạng, vừa tham gia vào những cuộc đấu tranh quần chúng của địa phương trong giai đoạn Đồng khởi. Bước sang giai đoạn hòa bình, đổi mới, mẹ không chỉ luôn động viên, giáo dục con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, bản thân mẹ cũng thực hiện tốt các phong trào của địa phương. Mới đây, mẹ Nghi đã dùng số tiền 2 triệu đồng dành dụm để ủng hộ cho UBND xã Bình Khánh thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Mỗi mẹ VNAH là một câu chuyện ý nghĩa về tinh thần luôn sống vì cái chung, vì quê hương, đất nước. Các mẹ luôn là những tấm gương ngời sáng cho các thế hệ noi theo.

“Nỗi đau khổ lớn nhất của con người là nỗi đau mất mát những gì thiêng liêng nhất. Đối với người mẹ, điều thiêng liêng nhất chính là núm ruột của mình - những đứa con yêu thương. Có mẹ mất một người con duy nhất. Có mẹ mất đi hai, ba, bốn, năm… thậm chí đến bảy người con và một người chồng. Chúng ta đã làm rất nhiều, rất nhiều để bù đắp cho các mẹ: những ngôi nhà tình nghĩa, những danh hiệu anh hùng, sự phụng dưỡng suốt đời… với mong muốn mẹ vơi đi nỗi đau bằng niềm vui và sự vinh quang”.

(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo)

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN