Cầu Hàm Luông - Hoài niệm và viễn cảnh

10/03/2010 - 08:29
Ảnh minh họa.

Tôi được mời thông xe kỹ thuật cầu Hàm Luông, nhưng về trễ, đành dừng xe bên này cầu. Với tính hiếu kỳ, tôi thả bộ, quan sát một đỗi, quả là cầu được xây dựng hoành tráng, vươn dài trên một không gian bao la, đầy lãng mạn, chồm lấy bên bờ Bắc, nơi sản sinh ra quê hương mang tên Đồng Khởi, nối liền với thành phố trẻ trung, thơ mộng đầy khí phách.

Phía xa kia là dòng sông mà cầu ôm lấy trọn vẹn, trìu mến, bao đời ấp ủ, bây giờ toại nguyện, không gì ngăn cách nổi - sự mong đợi bao đời. Gió xuân lồng lộng, trời xuân chói chang, sắc xuân bát ngát. Thấp thoáng trong rừng dừa bạt ngàn, chi chít mái ngói, mái tôn xanh, đỏ như những nét chấm phá của bức tranh thủy mặỉc mà tạo hóa ban tặng cho thành phố Bến Tre và vùng đô thị Mỏ Cày trong nay mai. Ngẫu nhiên nhưng thú vị: cầu mang tên dòng sông; dòng sông nhiều chiến tích đi vào lịch sử; cầu liền mạch Minh sang Bảo, nối đôi bờ từng cưu mang những con người bươn chải mưu sinh.

Đầu cầu bờ Nam xuyên ngang xã Bình Phú (thành phố Bến Tre) cũng là nơi ngọn lửa Đồng Khởi của thành phố đã nhen nhóm từ năm 1959, ngày Đồng Khởi tỉnh Bến Tre, Bình Phú, Sơn Đông, Mỹ Thành góp phần không nhỏ trong cuộc nổi dậy của quần chúng vùng ngoại thành này… Anh Phan Duy Khôi, chị Mười Thảo  (Ban Cán sự Đảng, Thị ủy) bị địch bắt, nhưng phong trào Đồng Khởi ở Thị xã không hề suy suyển; ông Trần Dũng, Nguyễn Duy Cương, Nguyễn Duy Nhung và một số anh em khác xây dựng lại phong trào cách mạng, thành điểm tựa cho sau này. Có lúc xã Bình Phú bị địch đàn áp, đánh phá tan nát, không còn đảng viên lãnh đạo, Thị ủy chỉ đạo Chi đoàn Thanh niên xã Bình Phú lãnh đạo quần chúng suốt cả một thời gian dài, Chi đoàn công tác vẫn tốt, lãnh đạo quần chúng sôi nổi. Người tiêu biểu cho thời ấy là anh Nguyễn Văn Thảo (Sáu Thanh), hiện nay vẫn còn ở địa phương.

Xa cầu Hàm Luông, trên dưới vài ba trăm mét, là căn cứ của Chi bộ Đảng Bình Phú. Các anh về ăn nghỉ bí mật, ra vào hoạt động. Có những lúc chúng tôi bám vào công tác vùng hữu ngạn thành phố Bến Tre, bờ Nam đầu cầu Hàm Luông, nơi vườn cấm xã Mỹ Thành, ẩn náu trong đám lứt, đám le, đọt dừa để chỉ đạo, chỉ huy những trận đánh của biệt động thuở đó.

Năm 1964, anh học trò Nguyễn Văn Xê vừa đánh Mỹ trong thành phố Bến Tre về cứ, được phân công vào đội Biệt động điều nghiên đồn Mỹ Hóa (phường 7). Mùa nước rong, dòng Hàm Luông chảy xiết, cuốn hút, xanh thẳng về xã Thanh Tân, Mỏ Cày mà không vào được Bình Phú, anh phải bỏ đọt dừa, sống đói khát qua ngày, chờ con nước sau vượt Hàm Luông hoàn thành nhiệm vụ. Lần sau, anh về công tác ở Bình Nguyên (phường 6), bám trụ bờ Nam dòng Hàm Luông; địch phát hiện gọi anh đầu hàng, anh chống lại, bị hy sinh. Người con trai, đứa học trò của Trường Trung học Kiến Hòa năm ấy đền xong nợ nước vừa tròn hai mươi tuổi. Lần lượt, ở bờ Nam dòng sông gần bên đầu cầu cùng tên với dòng sông, các anh: Nguyễn Tất Thắng, chị Sáu Triêu, anh Việt Hùng, Hà Thanh Hải hy sinh oanh liệt. Cầu Hàm Luông xây dựng hoàn thành trong nỗi niềm mong đợi của dân Bến Tre đan xen nỗi đau mất mát của những gia đình có người thân nằm xuống vĩnh viễn hai bờ Bắc- Nam dòng Hàm Luông những ngày chống Mỹ. Đứng trên cầu buổi hoàng hôn cuối năm, gió xuân thoáng mát, lòng dào dạt hân hoan; khôn nguôi tiếc thương những người anh hùng đã nằm xuống!

Rồi đây, cầu Hàm Luông hiệp sức với cầu Rạch Miễu chắp thêm đôi cánh cho Bến Tre bay cao, bay xa tạo dáng đứng đường bệ, vững chãi cho một tỉnh mang danh hiệu Đồng Khởi. Những con cá, con tôm vùng quê biển Thạnh Phú, nông sản Mỏ Cày, hoa kiểng, cây trái ngon ngọt thơm lừng miền Chợ Lách theo cầu Hàm Luông về vùng đô thị, làm rạng rỡ cho quê mình. Cầu Hàm Luông cũng sẽ mời gọi khách lạ muôn phương về vùng quê sinh thái, không khí trong lành, cây xanh trái ngọt, nhiều cá tôm tận hưởng những gì quí giá do sức người nông dân tay lấm chân bùn tạo ra; và trong đời sống, cầu Hàm Luông cũng mang trả lại những người con cù lao Minh xa quê bao đời trở về quê cha đất mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn tìm một dĩ vãng tuổi thơ tươi đẹp, hồn nhiên, sôi nổi nhất. Cầu cũng sẽ đưa du khách về Cái Mơn tìm thời thơ ấu của một học giả vĩ đại, lừng danh thế giới Trương Vĩnh Ký; tìm địa chỉ bến đậu của con tàu không số trên đường biển Hồ Chí Minh…

Cầu Hàm Luông nối liền như thế chắc chắn là chưa đủ, bởi người viết có sự hiểu biết nhất định. Nhưng có thể khẳng định cầu Hàm Luông vươn vai ngạo nghễ với không gian và thời gian, cùng năm tháng phục vụ cho nhân dân dân Bến Tre. Người Bến Tre quí trọng cầu Hàm Luông, trân trọng người công nhân ngày đêm tạo ra nó.

Xin biết ơn ngàn lần đối với những con người ấy!

Trần Đông Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN