Kiểm tra sự phát triển của rễ bưởi da xanh. Ảnh: Trí Nhân
Tránh sai lầm khi cứu cây
Nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quản lý nước và dùng phân hữu cơ mà nông dân Lê Văn Tươi, ngụ thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm bảo toàn được vườn bưởi da xanh 1ha qua hai đợt hạn mặn năm 2016, 2020.
“Theo kinh nghiệm bản thân, hiện giờ cây đã bị nhiễm mặn, mưa xuống có nguy cơ khiến cây chết tiếp là phèn dậy lên làm đất bị chua. Bên cạnh đó, cây trong hạn mặn đã bị yếu, rồi lại bị nhiễm mặn nữa. Cộng với mưa, nước tuột xuống mương đem theo chua của phèn, mình không tưới nước này được. Mưa xuống không rải phân liền được, mà phải tháo nước trong mương vườn ra, lấy nước ngọt vô, rải vôi vườn”, nông dân Lê Văn Tươi chia sẻ. Kinh nghiệm này đã giúp vườn bưởi da xanh 300 gốc của ông Lê Văn Tươi không chết cây nào và bình yên đi qua mùa mặn 2016. Đến năm 2020, ông vẫn áp dụng kiến thức trên cho vườn bưởi. Hiện cây trồng xanh tươi, phát triển tốt.
Theo ThS. Lê Trí Nhân - công tác tại Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, nhiều nhà vườn vì nóng lòng cứu cây trồng sau một thời gian dài chịu đựng hạn mặn nên đã mắc phải những sai lầm. Một là, nhà vườn rải phân hóa học chứa đạm cao, nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây khiến cây ra rễ mới cùng với đâm tược non đi kèm. Nhưng với lượng nước ngọt dự trữ hạn chế, lúc này không đủ cung cấp cho cây khiến cho rễ non đang phát triển bị khô và dẫn đến lá bị héo và rụng.
Hai là, sau cơn mưa, bà con lấy nước trong mương để tưới cây mà quên rằng việc nhiễm mặn trong thời gian dài đã khiến Ec (độ dẫn điện) trong đất tăng lên đáng kể. Một số khu vực như: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Chợ Lách, qua khảo sát thực tế của Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, Ec đất đo được dao động từ 2 đến trên 4 mS/cm.
Khi có những trận mưa chuyển mùa, mưa đầu mùa, bà con không nên bón phân hóa học, mà cần bón vôi để đẩy muối ra khỏi keo đất. Đồng thời, kiểm tra Ec đất, nếu Ec xấp xỉ 1 - 1,2 mS/cm thì cần rải phân hữu cơ ủ hoai kết hợp với Acid humic nhằm tái tạo lại keo đất. Sau đó, có thể bón phân lại bình thường nếu có nước ngọt.
Việc khoan giếng để lấy nước cứu cây đã được ngành chức năng không khuyến khích do ảnh hưởng mạch nước ngầm cũng như qua thời gian theo dõi chất lượng nước giếng trên địa bàn tỉnh biến động rất lớn về thành phần sắt, Clo cùng với kim loại nặng. Những vùng cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP nếu không kiểm tra vô tình đưa nước tưới chứa các thành phần trên sẽ gây hại đến vùng nguyên liệu.
Giúp cây ổn định khi gặp mưa
Theo ThS. Lê Trí Nhân, khi có những cơn mưa chuyển mùa, nhà vườn cần tranh thủ trữ nước trong mương để tưới tiết kiệm giữ ẩm cho cây kết hợp với tủ gốc. Phun các loại phân bón lá có chứa acid amin proline, valine và nhóm vi lượng có kẽm, mangan để tăng cường khả năng giải độc cho cây.
Cần kiểm tra nước thường xuyên. Nếu độ mặn nhỏ hơn 2%o thì cần lấy nước ngoài sông vào trong mương vườn để tạo ẩm độ hiện diện trong chân liếp và tránh gây ra hiện tượng xì phèn khi mưa xuống.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức khuyến cáo: Khi có những cơn mưa chuyển mùa, mưa đầu mùa, đối với những vùng đất đã bị nhiễm mặn tranh thủ tháo nước mặn ra, khai thông các mương càng sớm càng tốt. Xới nhẹ tầng đất mặt rồi rải vôi lên để rửa mặn và phèn cho đất phục hồi sớm và rễ cây dễ dàng tiếp nhận, hấp thu dinh dưỡng sau thời gian bị tổn thương do hạn mặn. Nhà vườn chú ý bồi dưỡng đất bằng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học chứa vi sinh vật có ích trong đất. Một điều cần chú ý là khi gặp mưa, cây sẽ trổ bông, trái nhiều, nhà vườn không nên giữ lại. Nhà vườn cần bồi dưỡng cây cho thật khỏe rồi hãy lấy trái, nếu không cây sẽ suy kiệt.
Ngoài ra, một số trường hợp cây xuất hiện bệnh trong thời điểm giao mùa. Để hạn chế bệnh xì mủ chảy nhựa ở gốc và vàng lá thối rễ cần nhiều giải pháp đồng bộ như: chăm sóc cây khỏe, rửa mặn, rải vôi, bón phân hữu cơ.
T. Thảo - T. Nhân