Châu Phi bước vào kỷ nguyên xung đột mới

05/01/2025 - 16:06

Châu Phi đang bước vào một kỷ nguyên xung đột đầy bất ổn, với số lượng cuộc giao tranh và bạo lực đạt mức cao nhất kể từ năm 1946. Trước những biến động địa chính trị lớn, tương lai của lục địa đen đang đứng trước những thách thức chưa từng có.

Binh sĩ Somalia tuần tra gần hiện trường vụ tấn công nhằm vào khách sạn ở Mogadishu, Somalia, ngày 15-3-2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal, trong bối cảnh thế giới đang tập trung chú ý vào các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, châu Phi đang bước vào một kỷ nguyên bất ổn chưa từng có với số lượng xung đột vũ trang cao nhất kể từ năm 1946.

Số liệu từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Na Uy) cho thấy, chỉ riêng trong năm 2024 đã có 28 cuộc xung đột diễn ra tại 16 trong số 54 quốc gia châu Phi, tăng gấp đôi so với một thập kỷ rưỡi trước. Con số này chưa bao gồm các cuộc xung đột giữa các cộng đồng khác nhau, vốn cũng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010.

Như phân tích của công ty tư vấn rủi ro chính trị Verisk Maplecroft, hành lang xung đột hiện nay trải dài khoảng 6200 km, chiếm 10% tổng diện tích của châu Phi cận Sahara.

Ken Opalo, Phó Giáo sư tại Đại học Georgetown, chỉ ra rằng điểm bùng phát quan trọng là sự sụp đổ của Libya năm 2011. Sau khi ông Moammar Gadhafi thiệt mạng, hàng nghìn người có vũ trang đã di chuyển về phía Nam vào Mali, châm ngòi cho các cuộc nổi loạn và tạo điều kiện cho sự bành trướng của các tổ chức khủng bố như al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Sahel. Theo Verisk Maplecroft, 86% lãnh thổ Burkina Faso và 44% lãnh thổ Nigeria hiện đang chịu ảnh hưởng của các cuộc giao tranh giữa chiến binh thánh chiến và lực lượng chính quyền. Các cuộc xung đột đang lan rộng đến các quốc gia ven biển Tây Phi như Benin và Ghana.

Hậu quả của các cuộc xung đột là vô cùng nghiêm trọng. Tại Ethiopia, các chuyên gia Đại học Ghent (Bỉ) ước tính cuộc chiến kéo dài hai năm giữa lực lượng chính phủ và Mặt trận Giải phóng Tigray đã khiến từ 162.000 đến 378.000 thường dân thiệt mạng. Theo Giáo sư Clionadh Raleigh của Đại học Sussex, dân thường ở châu Phi có nhiều khả năng bị nhắm mục tiêu hơn so với các cuộc chiến tranh khác. Tại Ukraine, chỉ 7% các sự kiện bạo lực nhắm vào dân thường, trong khi con số này ở châu Phi là hơn một phần ba.

Di dời dân số là một hệ quả nghiêm trọng khác. Châu Phi hiện là nơi sinh sống của gần một nửa số người di tản trong nước trên thế giới, khoảng 32,5 triệu người vào cuối năm 2023 - tăng gấp ba chỉ trong 15 năm. Tại Congo, ước tính 80% phụ nữ trong các trại di dời quanh Goma đã bị hãm hiếp. Tại Sudan, nạn đói đầu tiên được xác nhận trên thế giới kể từ năm 2017 đang hoành hành.

Trong khi đó, sự quan tâm và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế đang suy giảm. Theo tổ chức One Campaign, viện trợ phát triển chính thức cho châu Phi từ các nước giàu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Liên hợp quốc chỉ nhận được một nửa trong số 2,6 tỷ đô la Mỹ cần thiết cho viện trợ nhân đạo tại Congo năm 2024. Sudan chỉ nhận được 64% so với cam kết, còn Nigeria là 57%.

Với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng và dự kiến sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhiều chuyên gia lo ngại tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo Giáo sư Raleigh, điều này có thể dẫn đến "những xung đột và những lực lượng gây bạo lực trên khắp lục địa sẽ không còn bị kiểm soát".

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN