Lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường có sự tham gia, nhằm phản ánh và gắn kết nhu cầu của người dân - cộng đồng với các chương trình, dự án và nguồn lực khác; gắn kết quá trình sản xuất với các cơ hội thị trường, hỗ trợ tốt các ý tưởng phát triển kinh doanh, nhờ đó làm tăng hiệu quả đầu tư cấp xã là cách làm mới hiện nay. Kế hoạch phát triển KT-XH đã và đang làm thường được đề ra từ chính quyền địa phương (từ trên xuống) thì bây giờ kế hoạch được xây dựng từ dưới lên - trên cơ sở lấy ý kiến từ các ấp, ban ngành đoàn thể, từ người dân. Cách làm này vừa thể hiện tính dân chủ, công khai minh bạch, vừa thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm của chính quyền và nhân dân.
* Công việc cũ - cách làm mới
Trong công cuộc đổi mới nền kinh tế theo định hướng thị trường, việc đổi mới quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH như là lẽ đương nhiên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất ủng hộ chủ trương này và khuyến khích các địa phương sớm triển khai. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch theo phương pháp mới muốn thành công đòi hỏi phải có sự đánh giá đúng thực trạng nông thôn, phân tích thị trường và có sự tham gia của cộng đồng. Theo bà Nguyễn Duy Hải Minh – Trưởng phòng Kế hoạch, giám sát, đánh giá của Dự án DBRP Bến Tre, yêu cầu bắt buộc của việc lập kế hoạch theo cách này là phải tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến từ ấp, cụm dân cư (các nhóm là cán bộ xã/ấp, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản, đoàn thể, đại diện các hộ dân - 30% hộ nghèo, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật…). Những cuộc họp này nhằm mục đích nghe người trong cuộc phản ánh về công trình phục vụ sản xuất, dân sinh, những hoạt động cần thiết nhằm kết nối thị trường với nông dân. Cùng với thông tin từ các nguồn chính thức (số liệu thống kê, số liệu từ cấp trên…), những thông tin này là cơ sở để những người làm công tác lập kế hoạch nắm được thực trạng tình hình chung của xã (theo từng ngành, lĩnh vực, vấn đề), đồng thời gợi mở những đề xuất cho vấn đề phát triển KT-XH của địa phương.
Kế hoạch được lập trên cơ sở lấy ý kiến cộng đồng nên tính khả thi cao và rõ ràng hơn, minh bạch hơn. “Kế hoạch hành động của xã xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương; còn người dân thì biết được từng hoạt động của xã để cùng theo dõi, giám sát, cùng tham gia thực hiện là kết quả rõ nét nhất” – ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Dự án DBRP nói. Theo ông Sơn, khi người dân tham gia hoạch định kế hoạch, các bên liên quan cùng phân tích, đánh giá thì sẽ kích thích sự quan tâm cũng như phát huy được lợi thế của địa phương, nhóm cá nhân, cá nhân. Đồng thời, qua đó người dân cũng định hướng được khả năng của họ khi tham gia phát triển KT-XH tại địa phương; biết chọn cây trồng, vật nuôi gắn với yêu cầu thị trường theo quy luật cung - cầu và những rủi ro. Mặt khác, khi người dân, doanh nghiệp tường tận được kế hoạch hoạt động, nguồn lực đầu tư của xã thì vai trò giám sát cũng như việc tự nguyện tham gia xây dựng quê hương, xây dựng chính quyền của dân được nâng cao hơn.
* Sẽ mở rộng ra quy mô toàn tỉnh
Từ năm 2008, Bến Tre bắt đầu thực hiện Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP) và triển khai việc lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường, có sự tham gia ở 24 xã thuộc các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách. Dù đã được thông tin, tư vấn, tập huấn rất nhiều lần nhưng việc thay đổi một thói quen, thay đổi cách làm mới theo hướng công phu, bài bản hơn là điều không phải dễ. Người dân đến cơ quan công quyền có thói quen nghe hơn là có ý kiến; người nghèo thì vẫn quen xin để có lợi ích trước mắt hơn là nghĩ ra cách làm thế nào để mình thoát nghèo; cán bộ xã cũng còn không ít người chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, chậm tiếp cận cách làm mới do năng lực hạn chế… Bà Nguyễn Duy Hải Minh cho biết, những xã tham gia năm đầu tiên, cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp hỗ trợ. Đến năm thứ 2 thì cán bộ xã tham gia 50% các hoạt động và tỉ lệ này tăng dần trong năm thứ 3. Nhờ vậy mà việc tổ chức lập kế hoạch theo phương pháp mới được các xã triển khai khá tốt, người dân cũng hào hứng tham gia.
Ông Mai Văn Bìa - nông dân ở vùng giồng cát ven biển thuộc ấp 4, xã Bảo Thuận (Ba Tri) rôm rả nói về việc mình và nhiều nông dân trong ấp được nói về nhu cầu cần tráng xi-măng con đường ngang qua ấp, về kế hoạch trồng rau thay cho trồng sắn bao nhiêu năm nay. “Biết được kế hoạch của xã sắp mở điểm thu mua hàng nông sản ở trong đê, nông dân chúng tôi mừng lắm” – ông Bìa nói. Là người từng làm công tác kế hoạch của huyện Ba Tri, ông Lê Văn Nhứt (hiện là Trưởng Văn phòng huyện) chia sẻ: “Trước đây, kế hoạch được lập từ trên ấn xuống, ấn sao thì xã phải chịu vậy. Bây giờ lập kế hoạch theo hướng từ dưới lên là rất hay. Theo cách mới này, trách nhiệm của cán bộ lập kế hoạch, chính quyền địa phương và người dân được nâng lên rất rõ”.
Hiểu và cùng chia sẻ công việc đã được công khai nên hiệu quả hoạt động ở các xã thí điểm có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Ông Nguyễn Trúc Sơn đánh giá, cái được rõ nhất là bản kế hoạch của xã theo cách làm mới thể hiện đầy đủ tình hình KT-XH của địa phương, có nhận xét, đánh giá và có giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã.
Điểm mới của công tác lập kế hoạch trong năm 2010 theo phương pháp mới sẽ được triển khai ở 50 xã tham gia Dự án DBRP. Kế hoạch này sẽ được lập trên cơ sở phân tích chuỗi giá trị sản phẩm chính ở từng địa phương. Từ đó, những giải pháp thích hợp về thủy lợi, vốn, kỹ thuật, phương thức mở rộng sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng… được người dân có ý kiến từng khâu để có hướng đi hợp lý, thiết thực và hiệu quả. Ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Dự án đã tài liệu hóa các quy trình lập kế hoạch theo theo định hướng thị trường, có sự tham gia của cộng đồng. Sau khi triển khai thí điểm ở các xã, cuối năm nay Dự án và Sở Kế hoạch – Đầu tư sẽ tổ chức cuộc hội nghị rút kinh nghiệm và trình UBND cho ý kiến triển khai đại trà ở cấp xã trong thời gian sớm nhất.
Xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH là nhiệm vụ thường xuyên và bắt buộc của chính quyền các cấp. Đây là công việc không mới nhưng lập kế hoạch theo định hướng thị trường, có sự tham gia của cộng đồng là một bước nâng cao năng lực về phương pháp làm việc, tinh thần trách nhiệm của cán bộ địa phương. Mặt khác, khi dân được biết, được bàn, được kiểm tra các hoạt động của chính quyền trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH là giải pháp tốt nhất để hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực và thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chung.