Nhiều giải pháp trong thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023

17/06/2023 - 11:12

BDK.VN - Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13, nhiều ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đề xuất các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2023 đã được các đại biểu tập trung bàn sâu, phân tích. Trên cơ sở đó, nhiều đại biểu đã đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp trong thời gian tới.

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng     

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Tuấn, công tác xây dựng Đảng được triển khai thực hiện đạt, nổi bật là nội dung kéo giảm tỷ lệ đảng viên vi phạm bị kỷ luật và tỷ lệ kết nạp đảng viên mới được triển khai đạt theo kế hoạch đây cũng là kết quả đáng mừng của tỉnh và sẽ được tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian còn lại của năm để đạt chỉ tiêu của năm. Về phía TP. Bến Tre, trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, cấp ủy thành phố quan tâm, nhất là việc thực thi các chỉ tiêu trong công tác kết nạp đảng, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đảng bộ, cơ sở, hoạt động của các đoàn thể, Mặt trận…

Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê cho biết, trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, huyện đã tổ chức triển khai học tập quán triệt nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua triển khai quán triệt, học tập, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa tốt hơn, tiếp tục phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Về tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, hoàn thành việc bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ và của riêng năm 2023. Huyện cũng đã tập trung vào nội dung phát triển đảng viên mới, hiện đã kết nạp được 86/120 đảng viên (đạt hơn 71%).

Công tác xây dựng chi bộ ấp, khu phố trong sạch vững mạnh, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã công nhận thêm 11 chi bộ, hiện toàn huyện có 44/125 chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh (đạt tỷ lệ hơn 35%). Đang chuẩn bị các bước cho Đại hội Công đoàn cấp cơ sở và Hội Nông dân. Tuy nhiên, quán triệt tinh thần “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển” cũng chưa được sâu rộng, tính năng động, quyết liệt của một số cấp ủy chưa cao, đảng viên bị xử lý kỷ luật còn nhiều… 

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, đối với nội dung xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, so với mặt bằng chung của cả nước thì tỷ lệ xây dựng NTM của tỉnh vẫn còn thấp. Vì vậy, cần tập trung cao cho nội dung này, hướng đến đảm bảo chất lượng; trong điều kiện xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, các sở, ngành phụ trách nghiên cứu các chỉ tiêu tăng cường hỗ trợ cho các địa phương, để sớm hoàn thành các chỉ tiêu, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của tỉnh và cho cả khu vực.

Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre Nguyễn Văn Tuấn phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Về thực hiện xây dựng xã NTM, TP. Bến Tre đã chọn 3 xã để xây dựng xã NTM nâng cao: Phú Hưng, Bình Phú và Sơn Đông (hiện Bình Phú đã đạt), thành phố đang tập trung tiếp tục xây dựng cho 2 xã Phú Hưng và Sơn Đông, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023. Xây dựng xã Phú Nhuận, Nhơn Thạnh là xã NTM kiểu mẫu, hiện Phú Nhuận cũng đã gần đạt các chỉ tiêu, dự kiến đầu năm 2024 sẽ hoàn thành.

Về xây dựng xã NTM và NTM nâng cao, Ba Tri hiện có 9 xã NTM (trong đó có 1 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu). Huyện cũng đang nỗ lực tập trung cho các tiêu chí, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh, cũng cần các sở ngành phụ trách xét cân nhắc hỗ trợ trong đánh giá các tiêu chí để góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phấn đấu trong năm 2023, Ba Tri sẽ hoàn thành xây dựng xã NTM Phú Lễ, xã NTM nâng cao Tân Thủy. Ba Tri hiện có 9 xã bãi ngang, vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì không phân bổ cho các xã bãi ngang, đây là cái khó của huyện, vì nguồn lực chính từ ngân sách nhà nước nên gặp nhiều khó khăn.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Về công tác xây dựng huyện NTM, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường thông tin: Mỏ Cày Nam hiện đã đạt 14/15 xã được công nhận xã NMT, còn lại 1 xã hiện đang còn vướn tiêu chí 19.2 về an ninh trật tự, hiện ngành phụ trách cũng đã xem xét, thẩm định lại. Khi nội dung này hoàn thành thì huyện sẽ tiến hành đề nghị công nhận vào kỳ họp tới của Ban Chỉ đạo tỉnh.

Đối với chỉ tiêu xây dựng thị trấn đạt đô thị văn minh, thị trấn Mỏ Cày hiện đã đạt 50/52 chỉ tiêu, huyện cũng đang tập trung triển khai xây dựng 2 chỉ tiêu còn lại, phấn đấu xây dựng thị trấn Mỏ Cày đạt đô thị văn minh trong năm 2023. Trong 6 tháng còn lại của năm, huyện sẽ tập trung phấn đấu xây dựng đạt thêm 3 xã NTM nâng cao theo tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, đối với nội dung thành lập nhà máy thu gom và xử lý nước thải, một số dự án, công trình trọng điểm… cần có sự quan tâm, hỗ trợ, tiếp sức tạo điều kiện của tỉnh để Mỏ Cày Nam sớm đạt mục tiêu đề ra, góp phần trong phát triển chung của tỉnh. Bí thư Huyện ủy Hà Quốc Cường cũng mong muốn, cần có sự nhất quán chỉ đạo trong các đoàn kiểm tra, hỗ trợ để địa phương có cơ sở, định hướng cụ thể trong thực hiện.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội phát biểu.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội phát biểu.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội đã đề xuất xuất một số giải pháp để hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã NTM, NTM nâng cao như: Sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngành tăng cường tập huấn năng lực cho các cán bộ làm công tác xây dựng NTM, nhất là cán bộ ấp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. 

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, toàn tỉnh có 217 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong đó có 127 sản phẩm 3 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm có tiềm năng 5 sao và 4 sản phẩm 5 sao đã được chứng nhận. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với Sở Công Thương, các địa phương đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các cuộc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện, trên các sàn thương mại điện tử...

Tập trung phát triển kinh tế, triển khai các công trình, dự án trọng điểm

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Về xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách lưu ý phải thực hiện cho được 3 việc: Giao thông vào làng phải đầu tư sớm; thứ hai phải giải quyết rốt ráo việc thu hồi đất; thứ ba là phải có quy hoạch phân khu để kêu gọi đầu tư. Huyện Chợ Lách đóng vai trò chủ lực, các sở, ngành hỗ trợ, phối hợp thực hiện. Cũng theo ông Trần Ngọc Tam, tín hiệu vui cho tỉnh là hiện đã có một nhà đầu tư là Công ty Amaccao sẵn sàng đầu tư mô hình xử lý rác thân thiện môi trường, có thể hoàn thành vào năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Ở nội dung đẩy mạnh xuất khẩu và tập trung phát triển sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Năm 2023 chỉ tiêu xuất khẩu là 1,7 tỷ USD, tính đến nay, đã xuất khẩu đạt 693 triệu USD, đạt khoảng 42% so với kế hoạch, các mặt hàng xuất khẩu giảm như dừa, thủy sản, may mặc… Tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn do khó khăn trên thị trường thế giới nói chung. Tuy nhiên, xuất khẩu dừa xiêm có dấu hiệu khởi sắc nhờ sức tiêu thụ dừa xiêm tăng.

Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các sở ngành liên quan, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động này thời gian qua tỉnh thực hiện rất tốt không chỉ xúc tiến qua các nước khu vực mà còn qua các thị trường châu Âu, Trung Đông. Sở cũng sẽ gắn với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các Bộ hỗ trợ tỉnh trong quá trình tiếp cận các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, đây là thị trường sẽ tiêu thụ số lượng dừa rất lớn. Về lâu dài, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng cần có giải pháp để liên kết vùng, tập trung sản lượng hàng hóa lớn, đáp ứng các đơn hàng của thị trường xuất khẩu.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Phạm Thanh Hùng phát biểu.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Phạm Thanh Hùng phát biểu.

Trong công tác giải nghèo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo không có khả năng lao động thoát nghèo chiếm 1,43% trong tổng số 3,5% tỷ lệ hộ nghèo. Một số người nghèo chưa tự tham gia vào các mô hình kinh tế thoát nghèo, chưa chịu khó học nghề nên thu nhập rất thấp, một số người nghèo cố gắng làm ăn thoát nghèo nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường nông sản…

Trong hướng tới, ông Phạm Thanh Hùng cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực thoát nghèo. Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người nghèo, hướng dẫn, động viên, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có kiến thức mới, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước, xã hội.

Tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình kiến nghị tỉnh, xem xét bố trí kinh phí ngân sách tỉnh để huyện và sở ngành liên quan triển khai lập đồ án quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) Thạnh Phong, thị trấn - Bình Thạnh; Khu công nghiệp An Nhơn, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư xúc tiến sớm triển khai Dự án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Cồn Bửng; xây dựng Làng Văn hóa du lịch biển Thạnh Phú; đầu tư hoàn chỉnh và phương án khai thác hiệu quả Khu Bảo tồn và tôn tạo phát huy các giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển; đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè chống sạt lở khu vực biển Cồn Bửng.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách mạnh hơn, đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư hạ tầng CCN. Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 28, Nghị định số 68/2017 của Chính phủ: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được xem xét đầu tư theo hính thức đối tác công, có thể nghiên cứu để vận dụng thí điểm. Hỗ trợ ngân sách thu được từ đấu giá đất công trên địa bàn huyện (62ha An Điền...) đề nghị để lại cho huyện đầu tư hạ tầng đô thị và NTM.

A.Nguyệt - C.Trúc (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN