Chủ động tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại

18/12/2020 - 06:49

BDK - Mấy ngày qua, trên địa bàn huyện Giồng Trôm “nóng” về bệnh dại. Dù ngành y tế đã tuyên truyền rộng rãi đến người dân về việc tiêm phòng ngay khi không may bị chó (mèo) cắn. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn chủ quan, thậm chí tin thầy lang để phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.

Tiêm vắc-xin ngừa dại cho thú nuôi.

Tiêm vắc-xin ngừa dại cho thú nuôi.  

Đừng để... “chết oan”

Đến ấp Bình Lợi, xã Châu Bình (Giồng Trôm), người dân nơi đây chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến cái chết của chị P.T.B.T (31 tuổi). Theo lời kể của gia đình, cách đây khoảng 3 tháng, chị T. bị chó nhà cắn. Ít lâu sau, con chó này tiếp tục cắn đứa con gái của chị và bị gia đình đập chết. Sau khi bị chó cắn, cả 2 mẹ con chị T. không đi tiêm phòng dại vì nghĩ chó nhà nuôi và không biết chó đã mắc bệnh dại nên không xử lý vết thương.

Đến ngày 14-12-2020, chị T. có dấu hiệu sợ nước, mệt, khó thở. Gia đình đưa đi thăm khám tại Bệnh viện 120, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, bác sĩ chuyển chị T. lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh cho chị T. theo dõi nội trú và truyền huyết thanh điều trị. Trong lúc đó, được người quen giới thiệu thầy lang ở quê có khả năng điều trị tốt trường hợp chó cắn nên gia đình đã tự ý đưa chị T. về nhà. Đến tối cùng ngày, chị T. lên cơn co giật và tử vong tại nhà. Sau cái chết vô cùng thương tâm của chị T., ngày 15-12-2020, gia đình vội vã đưa cháu gái (con chị T.) đi tiêm phòng, hiện cháu bé được tiêm mũi đầu và chỉ định theo dõi tiếp.

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm, từ đầu năm 2020 đến nay, trường hợp của chị T. là ca thứ 2 trong huyện tử vong do bệnh dại. Trước đó, ngành y tế huyện đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong ở ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm. Qua điều tra, cả 2 trường hợp đều không chủ động đi tiêm ngừa sau khi bị con vật nghi dại cắn mà điều trị theo cách dân gian và đi lấy nọc.

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, vào năm 2018, tỉnh ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân xác định do không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Có thể thấy, hàng năm đều xảy ra những cái chết vì chủ quan. Song, nó vẫn tiếp tục lặp lại. Những cái chết vì bệnh dại luôn oan uổng và đau đớn khôn cùng sẽ là nỗi ân hận mãi giằng xé người ở lại. Đây là bài học đắt giá và góp phần cảnh tỉnh những ai còn chủ quan về tiêm phòng dại cho vật nuôi, cho người sau khi bị chó, mèo cắn.

Chủ động tiêm ngừa vắc-xin

Từ đầu năm đến nay, tại huyện Giồng Trôm ghi nhận 313 trường hợp người bị động vật nghi dại cắn (chủ yếu chó, mèo) đến tiêm ngừa tại Trung tâm Y tế huyện. Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, gặp ở mọi lứa tuổi. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc-xin.

Bác sĩ Từ Minh Hậu - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm cho biết: Bệnh dại khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với người và cả động vật. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin, huyết thanh kháng dại.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Từ Minh Hậu, khi bị chó, mèo cắn cần xử lý vết thương bằng cách rửa vết thương kỹ với nước sạch và xà phòng trong thời gian 15 phút; sát khuẩn bằng cồn 45 - 70 độ để làm giảm lượng vi-rút tại vết cắn, không làm rộng vết thương, tránh khâu kín. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn đi tiêm ngừa. Vì đây là cách duy nhất có hiệu quả cho người bị súc vật nghi dại cắn.

Trường hợp vết thương chảy nhiều máu thì cần cầm máu ngay lập tức, bằng cách dùng băng gạc y tế hoặc vải sạch băng bó lại ngay. Nếu không cầm được máu cần đến ngay cơ sở y tế. Vết cắn sâu hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục... nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vắc-xin phòng dại kịp thời.

“Trường hợp biết đích xác con chó đã cắn thì theo dõi chó, không đập chết. Nếu quá 15 ngày mà con chó vẫn sống thì không cần phải tiêm phòng. Nếu chưa đủ 15 ngày mà con chó đó chết thì phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại ngay. Người dân hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó phải nhốt xích. Chó ra đường phải có rọ mõm, không để trẻ em chơi đùa, chọc ghẹo chó, mèo. Phải diệt chó chạy rông và chó vô chủ. Tiêm phòng dại chủ động cho chó, mèo để góp phần dự phòng bệnh dại”, bác sĩ Từ Minh Hậu lưu ý.

Sau khi người bị con vật nhiễm vi-rút dại cắn sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 tuần, cũng có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc kéo dài 1 năm hoặc lâu hơn.

Giai đoạn đầu nhiễm bệnh không có biểu hiện đặc hiệu hoặc có thể biểu hiện sốt, đau đầu, khó chịu, buồn nôn từ 1- 4 ngày, cảm giác đau và tê tái vết cắn nơi vi-rút xâm nhập.

Giai đoạn sau là biểu hiện viêm não: bệnh nhân kích động, mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động, gió nhẹ; tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, vòm họng co thắt không uống nước được.

Bệnh tiến triển có khi ở thể liệt: chi dưới, chi trên, hô hấp và chết hoặc ở thể điên cuồng, co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày sẽ tử vong do liệt cơ hô hấp.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN