Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút dại gây ra. Bệnh hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Trên địa bàn tỉnh, hàng năm vẫn xuất hiện các trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều người chưa hiểu đúng về căn bệnh này cũng như những cách để xử lý khi bị động vật nghi dại cắn.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Nguồn truyền bệnh chính là chó (chiếm 96 - 97%) sau đó là mèo (3 - 4%)… Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng. Thời gian lây truyền bệnh thường từ 3 - 7 ngày trước khi có dấu hiệu phát bệnh và trong suốt thời kỳ con vật phát bệnh. Vì vậy, khi bị con vật nghi dại cắn, chúng ta cần theo dõi con vật ít nhất 10 ngày nếu con vật không lên cơn dại mới thật sự an toàn.
Thường thời gian từ khi nhiễm bệnh dại đến khi phát bệnh ở người là từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm. Thời gian này phụ thuộc vào số lượng vi-rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ.
Sức đề kháng của vi rút dại khá yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút, ở 600C/5 - 10 phút và ở 700C/2 phút. Vi-rút bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2 -5%. Vậy nên, khi bị động vật nghi dại cắn thì việc xử lý vết thương càng sớm và đúng cách sẽ làm giảm đáng kể lượng vi-rút gây bệnh. Cụ thể, xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 - 700 hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi-rút dại tại vết thương. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương. Không được bóp, nặn làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương.
Sau đó hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn tiêm vắc-xin phòng dại phù hợp. Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam, không tự chữa trị.
Bs Trường Giang