Chủ động trong công tác phòng chống bệnh sởi

27/03/2024 - 11:00

BDK.VN - Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại một số địa phương, không ghi nhận ổ dịch tập trung. Tại tỉnh, tình hình bệnh sởi chưa ghi nhận, hàng năm số ca mắc cơ bản ở mức thấp. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định nguy cơ bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra.

Người dân TP. Bến Tre đưa trẻ tham gia tiêm chủng dịch vụ phòng bệnh sởiNgười dân TP. Bến Tre đưa trẻ tham gia tiêm chủng dịch vụ phòng bệnh sởi.

Nguyên nhân xác định do tỷ lệ tiêm ngừa các mũi 1, mũi 2 của vắc-xin sởi từ năm 2021 đến nay đều dưới 90%, chưa đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Riêng trong năm 2023, nguồn vắc-xin tiêm chủng ngừa sởi bị gián đoạn 5 tháng liên tục, không đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi.

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh sởi, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, Sở Y tế đã và đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

Triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) khi có nguồn vắc-xin được cung cấp từ trung ương. Trong đó, tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình TCMR chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, trong đó đặc biệt chú ý đến vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Một số trạm y tế tư vấn hướng dẫn người dân tham gia tiêm mũi dịch vụ tại cở sở tiêm chủng nếu có điều kiện,

UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế, Sở GD&ĐT căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc-xin trong chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh. Tổ chức truyền thông về phòng chống bệnh sởi trong trường học. Chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm phòng vắc-xin sởi, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, sởi là một bệnh truyền nhiễm, có tính lây truyền cao, rất phổ biến ở trẻ em. Biểu hiện đặc trưng bởi sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, ban đỏ trên niêm mạc miệng và ban dạng dát sẩn lan từ đầu đến chân. Các biến chứng, chủ yếu là viêm phổi hoặc viêm não, có thể gây tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, dự phòng là yếu tố tiên quyết.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN