Bệnh sởi. Ảnh: ST
Vắc-xin là chế phẩm sinh học giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Tiêm vắc-xin là gây ra miễn dịch chủ động, đưa vào cơ thể lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại bệnh tật. Mỗi loại vắc-xin có một thời gian tiêm nhất định để đảm bảo hiệu quả tạo kháng thể cao nhất. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ giá trị của việc tiêm đúng lịch làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tiêm chủng, đặc biệt đối với bệnh sởi.
Theo đề tài nghiên cứu “Đánh giá tỷ lệ tiêm chủng 10 loại vắc-xin ở trẻ em từ 24 - 35 tháng tuổi tỉnh năm 2018” thì có đến 99% trẻ được tiêm vắc xin sởi, đây là con số vô cùng ấn tượng vì theo các chuyên gia đầu ngành thì chỉ cần đạt 95% là đã đủ tạo miễn dịch cộng đồng. Nhưng thật sự đáng tiếc là chỉ có 65,8% trẻ được tiêm đúng lịch.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây ra, lây qua đường hô hấp và dễ gây dịch. Bệnh có biểu hiện sốt, ho, viêm kết mạc và nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, sức đề kháng cơ thể giảm sút nên dễ mắc các biến chứng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong 4 tháng đầu năm 2019, 170 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi. Số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều quốc gia xuất hiện trường hợp mắc sởi dù đã công bố loại trừ bệnh sởi. Ở tỉnh ta, theo thống kê của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 2-10-2019, Bến Tre ghi nhận 129 ca mắc sởi, so với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 129 ca. Sốt phát ban (nghi sởi, rubella): số mắc 212 ca, so với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 133 ca.
Bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng và lan rộng. Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tiêm phòng đủ liều lượng là rất cần thiết nhưng chất lượng mũi tiêm là yếu tố quyết định. Vì vậy, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ chúng ta còn phải đảm bảo đúng lịch. Trẻ em và cả người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng sởi.
Bs. Trường Giang