Đại biểu thông tin thông tin về thời tiết.
Theo thông tin của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ - Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đến nay có 4 cơn bão hoạt động trên biển Đông. Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 8 đến 10 cơn. Trong đó có khoảng 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam. Đề phòng mưa lớn dồn dập trong các tháng 10 và 11 ở khu vực miền Trung, Nam Bộ.
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã nhận định nguồn nước, xâm nhập mặn năm 2020-2021 và đề xuất giải pháp phòng chống hạn mặn vùng ĐBSCL. Dự báo xâm nhập mặn đến sớm (từ tháng 1) và mức độ nghiêm trọng, thiếu nước ngọt ở các vùng ven biển khu vực ĐBSCL từ các tháng 1 đến tháng 3, do đó cần triển khai sớm các biện pháp trữ, tích nước ngọt. Cần kích hoạt kế hoạch phòng chống hạn mặn ở mức cao.
Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thông tin về Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai. Chỉ thị số 36, ngày 11-9-2020 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL. Các đơn vị huyện, ngành cũng đã thông tin, báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng chống thiên tai, các giải pháp ứng phó hạn mặn mùa khô năm tới, đề xuất, kiến nghị cho tình hình chung.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập lưu ý: Các ngành, đơn vị cần quan tâm đến tình hình thiên tai nhất là mưa bão, áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn vẫn có thể diễn ra gay gắt và khốc liệt. Các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, kiện toàn BCH PCTT-TKCN các ngành, các cấp địa phương do có sự thay đổi sau đại hội Đảng; rà soát, cập nhật ngay kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai của các ngành, địa phương, nhất là phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, hạn mặn cho phù hợp với dự báo tình hình.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai; tuyên truyền, vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt. Thực hiện công tác diễn tập, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ và người dân trong công tác phòng, chống thiên tai. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, triều cường những tháng cuối năm 2020.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động quyết định lựa chọn các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế, nhất là công tác ứng phó tình hình xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển theo quy định, không trông chờ vào cấp trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thống nhất các công trình, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh, của huyện để các địa phương chủ động triển khai thực hiện khi tình trạng xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn.
Tin, ảnh: Ánh Nguyệt