Đến với Trung tâm Trợ giúp pháp lý lưu động, ông CHH, sinh năm 1976 (ngụ ấp 2, xã H, huyện Giồng Trôm), hỏi: Mẹ tôi có viết di chúc để lại tài sản cho người con trai, nhưng sau đó thấy người con trai này không lo làm ăn, mà chỉ chơi bời lêu lổng, mẹ tôi thất vọng, không muốn cho người con này hưởng tài sản. Bà có ý định lập lại di chúc để tài sản cho người con khác. Mẹ tôi làm như vậy có được không?
Cán bộ trợ giúp pháp lý đã trả lời như sau:
Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của chủ sở hữu, thể hiện ý chí của người để lại di sản lúc còn sống về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Di chúc chỉ có hiệu lực thi hành sau khi người lập di chúc chết. Theo Điều 662 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, khi còn sống người lập di chúc không bị ràng buộc bởi di chúc đã lập và có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế di chúc đã lập bằng một di chúc khác lập ra sau đó hoặc có quyền hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào.
Thay thế di chúc là việc người để lại di sản lập di chúc khác thay thế hoàn toàn di chúc cũ, vì họ cho rằng những quyết định của họ trước đây không còn phù hợp với ý chí của họ nữa. Do đó, di chúc trước sẽ không còn giá trị pháp lý vì chính người lập di chúc hủy bỏ. Việc thay thế di chúc có thể là người lập di chúc viết một di chúc khác, hoặc hủy bỏ hoàn toàn việc lập di chúc.
Từ sự phân tích nêu trên, đối chiếu lại trường hợp của ông H, nếu mẹ ông không còn ý định để lại tài sản cho người con trai thì có quyền lập di chúc mới thay thế di chúc cũ và để lại tài sản cho một người con khác theo ý chí của bà. Chúng tôi cũng xin nói thêm để người dân được rõ, khi lập di chúc, người lập di chúc phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc để làm cơ sở xác định phần di chúc nào lập sau sẽ là phần di chúc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế di chúc lập trước. Nội dung phần di chúc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phải phù hợp với quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự về di chúc hợp pháp, tức là di chúc phải tuân theo các điều kiện như: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.