Chuyện bức xúc về nhà ở cho công nhân

16/08/2012 - 18:08
Một góc phòng trọ của công nhân.

Khoảng 3 năm trở lại đây, nhà trọ tháng tại khu vực Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành) mọc lên như nấm. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Câu chuyện về nhà ở đã trở thành nỗi ám ảnh của số đông công nhân ở trọ.

Công nhân… đỏ mắt tìm nhà ở

Chị L., quê ở huyện Ba Tri kể: Nhà trọ nhiều nhưng muốn tìm được phòng trống không phải dễ. Ban đầu, chị L. và hai người bạn cùng phòng tìm mãi không có phòng để ở. May thay, mấy ngày sau, do sắp có người dọn đi nên mới có phòng cho cả ba người ở. Đó là căn phòng 16m2 tại một nhà trọ thuộc xã Phú An Hòa mà hiện nay chị và hai người bạn đang ở trọ.

Hầu hết người thuê trọ là những công nhân ngoài tỉnh đến hoặc các huyện trong tỉnh cách xa khu công nghiệp như huyện Ba Tri, Chợ Lách, Thạnh Phú. Những công nhân có nhà tại các huyện lân cận như Bình Đại, Mỏ Cày Nam, TP. Bến Tre… vẫn cố gắng đi về mỗi ngày.

Qua khảo sát nhà ở cho người lao động tại hai xã Phú An Hòa và Quới Sơn - nơi tập trung nhà trọ cho thuê khu vực khu công nghiệp, hiện trên địa bàn có khoảng 120 cơ sở cho thuê nhà trọ tháng, với gần 2.000 phòng trọ và có 5.700 người đang thuê trọ. Trong khi đó, lượng công nhân tại khu công nghiệp này cao gấp đôi. Như vậy, hiện có hàng ngàn công nhân không có nhà ở phải ở nhờ nhà người thân, bạn bè hoặc vẫn chưa tìm được nhà ở để an tâm lao động. Chủ nhà trọ Gia Ngân - xã Phú An Hòa khẳng định: Bây giờ, nếu có thêm 1.000 phòng cũng có người đến ở đầy. Khu vực này hiện chỉ sợ thiếu phòng chứ không sợ thiếu công nhân đến thuê.

Nỗi ám ảnh của người thuê trọ

Tìm nhà ở là nỗi lo lớn nhất của người lao động ở xa đến đây tìm việc. Thế nhưng, sau khi có nhà, họ phải cắn răng cam chịu những điều kiện mà chủ nhà trọ đưa ra. Mới đây, một công nhân khác ở cùng dãy nhà trọ với L. nhiều lần yêu cầu chủ nhà phải ghi số điện, nước theo đồng hồ nhưng không được chủ nhà chấp thuận. Lý do chủ nhà đưa ra là thấy xài nhiều mà số kWh điện mỗi tháng không cao nên ghi phỏng con số để tính tiền. Một số phòng khác cũng tương tự nhưng yêu cầu thay đồng hồ thì chủ nhà trọ chỉ hứa. Không thể chịu nổi sự bất hợp lý và thiếu nhã nhặn của chủ nhà (không ở được thì cứ đi!) nên công nhân này đành quyết định dọn sang nơi khác.

Căn phòng 16m2 không có gác lửng là khá chật chội để 3 người nghỉ ngơi và để đồ đạc. Thế nhưng, hầu hết các phòng vẫn còn khá trống trải vì ngoài vài bộ áo quần để thay phiên thì phần nền nhà còn lại, họ dùng để nằm nghỉ mà không trang bị thêm các vật dụng cần thiết. Chị K. cùng nhà trọ với chị L. cho biết, chị đi bộ đến công ty và khi nào về quê thì đi xe buýt cho đỡ tốn tiền. Cả phòng chị cũng quyết định không mở đèn ban ngày mặc dù thiếu ánh sáng tự nhiên. Họ cũng không dám nghĩ đến việc sắm quạt máy chỉ vì sợ… đóng tiền điện. Phải tiết kiệm các khoản là điều mà hầu hết công nhân ở đây đang đối mặt. Tiền phòng mới lên 700.000 đồng/tháng, rồi tiền điện, nước, đổ rác là những khoản cơ bản phải chi mỗi tháng. Đó là chưa kể tiền ăn, mặc, sinh hoạt cá nhân. Trong khi đó, thu nhập của những công nhân đã hợp đồng chính thức bình quân dao động chỉ từ 2 triệu đến 3 triệu đồng (đã kể cả các khoản hỗ trợ tiền thuê trọ, đi lại, phụ cấp của công ty). Vì thế, không ít công nhân mới xin việc phải thường xuyên về nhà để xin gia đình viện trợ thêm thức ăn, gạo.

Đằng sau đó, công nhân còn phải chịu nhiều nỗi ám ảnh về nhà vệ sinh, mùi hôi do ô nhiễm, sự áp đặt không hợp lý của chủ nhà trọ. Thực tế hiện nay, công nhân cần nhà trọ nhiều hơn là nhà trọ cần người ở. Do đó, phần đông người sử dụng dịch vụ thuê trọ luôn không được xem là “thượng đế”. Được biết, giá 700.000 đồng/phòng (3 người)/tháng là mức giá phổ biến tại khu vực Khu công nghiệp Giao Long. Số ít nhà trọ còn lại có giá 500.000-600.000 đồng/phòng cũng là những nhà trọ có vị trí khuất trong vườn, cách xa khu công nghiệp vài cây số. Ngoài ra, những nhà trọ có phòng được thiết kế đẹp, không gian thoáng, có đủ ánh sáng hơn hoặc rộng rãi hơn có giá dao động từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng.

Dự án Khu nhà ở công nhân và tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Giao Long có tổng diện tích trên 50ha. Trong đó, diện tích thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn I khoảng 22,78ha. Thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ giữa năm 2009. Dự án trên được xem là một trong những giải pháp thiết thực của tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời nhu cầu nhà ở cho công nhân, giúp họ an tâm lao động. Tuy nhiên, đến nay, Dự án này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, nhà ở cho công nhân vẫn còn là dấu hỏi lớn. Vậy, tiến độ xây dựng nhà ở công nhân đến đâu và người lao động đang có nhu cầu nhà ở phải tiếp tục đợi đến khi nào? Trong khi đó, nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động tại Khu công nghiệp Giao Long nói riêng và các khu công nghiệp trong tỉnh ngày càng tăng cao, đã và đang gây bức xúc cho người lao động.

Bài, ảnh: CẨM TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích