Chuyện cô giáo đoạt giải Giáo viên thế giới

01/03/2010 - 08:41
Cô giáo Hằng tại một tiết dạy Anh văn.

Các nước, vùng lãnh thổ có giáo viên đoạt giải cuộc thi Giáo viên thế giới với Cambridge ESOL, do ĐH Cambridge, Vương quốc Anh tổ chức: Đứng đầu là giáo viên Monnica Eberle của Argentina. Kế đến là  giáo viên Lê Xuân Hằng, Trường THCS Tân Hào, xã Tân Hào, Giồng Trôm, Bến Tre – Việt Nam; còn lại là giáo viên của Đài Loan, Phần Lan và Kazakhstan.

Cô là giáo viên dạy tiếng Anh nhưng không mấy lần tiếp xúc, nghe và nói chuyện với người bản xứ. Ước mơ được chính người Anh hướng dẫn mình cách nói tiếng Anh, phương pháp giảng dạy, cách truyền thụ tiếng Anh như thế nào là tốt nhất, đặc biệt với trẻ em vùng sâu… – tâm sự rất giản dị và chân thành ấy đã giúp cô giáo Lê Xuân Hằng (Trường THCS Tân Hào – xã Tân Hào, Giồng Trôm) vượt qua hơn 2.000 bài viết của giáo viên trên khắp thế giới, đứng hàng thứ hai trong danh sách 5 thí sinh đoạt giải đặc biệt cuộc thi Giáo viên thế giới với Cambridge ESOL.

Chủ đề của cuộc thi này là viết 150 từ về “những lợi ích mang lại cho giáo viên và học sinh khi tham dự những chương trình nâng cao nghiệp vụ giáo viên”. Cô giáo Lê Xuân Hằng cho biết, khi được thông tin về cuộc thi, cô trăn trở lắm, vì không biết viết sao cho những giảng viên ở trường đại học danh tiếng Cambridge hiểu hết được những khó khăn của giáo viên, học sinh nông thôn xa xôi của Việt Nam trong tiếp cận với ngôn ngữ của họ. Nói như thế, bởi 10 năm đứng lớp dạy tiếng Anh tại Trường THCS Tân Hào, cô giáo Hằng chỉ có một lần duy nhất được tiếp xúc với người bản xứ là một khách Tây đi du lịch, ghé thăm trường.

Tân Hào là xã vùng sâu của Bến Tre. Trong kháng chiến, chính nơi đây là vùng căn cứ cách mạng đặc biệt – nơi khai sinh Đội du kích Tân Hào, còn gọi là Bộ đội ông Cống, tiền thân của Lực lượng vũ trang Bến Tre hôm nay. Có đến 3 người trong số 20 tướng lĩnh của quê hương Đồng Khởi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất này. Tân Hào rất oanh liệt trong ký ức người Bến Tre. Bởi thế, ông ngoại của cô giáo Hằng – ông Lê Ngọc Xương luôn mong muốn con cháu mình làm giáo viên và về dạy cho con em Tân Hào cái chữ, để phần nào đền đáp công ơn của những người nông dân chân lấm tay bùn một lòng nuôi bộ đội, trong đó có ông. Ngày ông mất, Hằng chỉ mới 2 tuổi, nhưng được nghe người nhà nói lại mong muốn của ông đã thôi thúc cô đến với Tân Hào ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre.

Những ngày đầu đến với Tân Hào, Hằng tưởng mình không thể vượt qua. Cô gái đất thị thành (quê Hằng ở phường Phú Khương, thành phố Bến Tre) về với miền quê xa lắc, mọi thứ đều lạ lẫm. Không có nhà tập thể cho giáo viên, Hằng ở nhờ nhà người quen của ngoại. Hằng nhớ lại, hồi đó ông Tư sống một mình nên cho cô ở nhờ căn chái bên cạnh. Ông già bị lãng tai nặng nên “phát” cho Hằng một cái cây và dặn “nếu tối có chuyện gì xảy ra thì lấy cây này chọt vô lưng ông nghen”.

Điều Hằng trăn trở nhất chính là làm thế nào để truyền thụ kiến thức tốt nhất cho các em học sinh ở vùng quê này. Trẻ em ở đây, đến lớp 6 mới bắt đầu được tiếp cận với tiếng Anh. Có em chăm chỉ nhưng cũng rất nhiều em chểnh mảng. Gọi phụ huynh đến chia sẻ thì cũng có người rất chân thật: “Cô giáo thông cảm cho, tiếng của mình tụi nhỏ học còn khó, nói gì đến tiếng nước ngoài!”.

Cũng có nhiều phương pháp được áp dụng như khuyến khích các em viết bài các môn học khác bằng vốn từ tiếng Anh, viết nhật ký bằng tiếng Anh để học từ vựng; trao đổi với nhau bằng tiếng Anh để luyện nói… còn môn nghe thì cả học trò và cô giáo đều chỉ có một kênh duy nhất là nghe qua máy cassette mà thôi.

Hằng là giáo viên giỏi cấp huyện 4 năm liền. Thầy Võ Văn Chẫm – Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hào cho hay dự định của trường là năm nay cô Hằng sẽ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Nhưng do Hằng tham gia và đoạt giải cuộc thi Giáo viên thế giới nên cô sẽ thi vào năm học sau.

Là trưởng nhóm Anh văn của trường, Hằng luôn tìm tòi cho mình và cùng đồng nghiệp tìm cách dạy phù hợp nhất cho từng bài giảng. Quyết định tham gia cuộc thi Giáo viên thế giới cũng vì mong muốn này. Cô Hằng nói: “Cuộc thi sẽ có 105 thí sinh đoạt giải, trong đó có 5 giải đặc biệt, còn lại giải khuyến khích và phần thưởng của giải này là bộ tài liệu về phương pháp dạy tiếng Anh. Tôi tham gia, với hy vọng được bộ tài liệu từ Trường Đại học Cambridge là mừng lắm rồi”.

Nhưng cô đã đứng vị trí thứ 2 trong số 5 người đoạt giải đặc biệt? Với giải thưởng này, cô giáo Xuân Hằng sẽ được nhận học bổng hai tuần về phát triển kỹ năng giảng dạy dành cho giáo viên của Viện Bell International, tổ chức vào tháng 7 tới tại Cambridge. Cô cũng được chi trả toàn bộ cho việc ăn, ở tại Homerton College, trực thuộc Đại học Cambridge. Riêng chi phí đi lại được hỗ trợ tối đa 200 bảng Anh. Niềm hạnh phúc rạng ngời khuôn mặt cô giáo trẻ: “Được tham gia khóa tập huấn ở nước ngoài là ước mơ của bất kỳ ai giảng dạy môn ngoại ngữ…”. Theo Hiệu trưởng Võ Văn Chẫm: “Khoản lương khiêm tốn của vợ chồng đều là giáo viên sẽ rất khó cho cô Hằng. Trường chúng tôi thực hiện khoán kinh phí, dù không nhiều, nhưng chúng tôi sẽ dè sẻn chi tiêu để giúp cô Hằng tham gia bằng được khóa học này”.

Ngay trong chiều 26-2, cô giáo Hằng được Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bến Tre mời lên gặp gỡ. Cô được Giám đốc Sở - ông Nguyễn Ngọc Bữu động viên và cho biết, UBND tỉnh đã có ý kiến, nếu cô gặp khó khăn thì tỉnh sẽ tạo điều kiện. Quan điểm của Sở là cô Hằng nên tham gia khóa học này, không được bỏ cuộc vì lý do kinh phí.

Tin cô giáo Hằng đoạt giải cuộc thi Giáo viên thế giới và sắp đi Anh làm cả xóm chợ Hương Điểm xôn xao. Bà con xúm lại nhà Hằng mừng tíu tít. Cả hai vợ chồng là dân thành phố Bến Tre, chẳng họ hàng thân thích gì với người dân Tân Hào nhưng mọi người xem nhau như ruột thịt. Cô Hằng nói: “Những lúc em bận công việc về trễ, con trai Đức Huy được chòm xóm rước về, cho ăn cơm luôn. Bà con rầy dạy con em như con của họ vậy. Ở đây an ninh lắm, vợ chồng em đi dạy, nhà cũng không cần đóng cửa”.

Mười năm đứng lớp, nhưng đến bây giờ, vợ chồng cô giáo Xuân Hằng vẫn còn ở nhờ trong căn nhà lá của một đồng nghiệp. Bây giờ cô giáo Hằng đã có bằng Cử nhân đại học Sư phạm nhưng giấc mơ thạc sĩ Anh văn còn quá xa với cô giáo vùng sâu này. Điều kiện sống, cơ hội nâng cao trình độ có khó khăn nhưng cô giáo vẫn quyết tâm gắn bó với Tân Hào. Chính tình cảm chân thành của người dân đất bưng biền đã níu chân cô…

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN