Chuyện xây dựng đê bao ở Hưng Khánh Trung B

08/07/2012 - 16:27
Ông Lê Văn Mảnh đang chăm sóc vườn cây sầu riêng trong vùng đê bao khép kín.

Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt việc xây dựng đê bao khép kín, sản lượng cây ăn trái của xã Hưng Khánh Trung B tăng dần theo từng năm. Làm được điều này là nhờ sự năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự đồng thuận hưởng ứng của người dân địa phương.

Phong trào xây đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái được thực hiện từ năm 2008 tại ấp Trung Hiệp (xã Hưng Khánh Trung B) bước đầu mang lại kết quả khả quan. Sau đó, việc xây dựng đê bao nhanh chóng lan tỏa sang các ấp khác trên địa bàn xã. Hiện tại, có 6/7 ấp của xã Hưng Khánh Trung B đã và đang triển khai xây dựng đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái. Xã Hưng Khánh Trung B đã xây dựng được 3 tuyến đê bao cục bộ với chiều dài 11.450m, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Các tuyến đê như: tuyến đê từ cống Ba Trọng đến cầu Phú Hội và cầu Chợ, tuyến đường đê bao cục bộ khu vực từ cầu chợ Thanh Trung qua Phú Hòa đến cầu Mười Sao, tuyến đê bao cục bộ khu vực từ Kênh Vàm Xã đến Gạch Giồng. Theo kế hoạch, vào cuối năm nay, xã cố gắng triển khai xây dựng và hoàn thành tuyến đê bao cục bộ khu vực từ cầu Hòa Khánh đến cống Ông Bùi với chiều dài 2.787m, tổng kinh phí thực hiện trên 370 triệu đồng.

Theo đồng chí Trần Văn Long - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Khánh Trung B, việc xây dựng đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái được Đảng ủy xã chú trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Mục đích của việc xây đê bao nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái trên địa bàn xã tránh bị triều cường, gây thiệt hại nặng, như đợt triều cường xảy ra trong năm 2011 đã làm thiệt hại vườn cây ăn trái của bà con, ước khoảng 2 tỷ đồng. Việc phát động xây dựng đê được người dân địa phương hưởng ứng rất nhiệt tình, đã đóng góp gần 1 tỷ đồng và hiến trên 70.000m2 đất.

Để xây dựng các tuyến đê được thuận lợi, xã Hưng Khánh Trung B thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo đó, lãnh đạo xã định hướng xây tuyến đê và công khai ra dân, vận động nhân dân và để người dân chủ động thực hiện. Chính từ việc thể hiện tính dân chủ trong việc trưng cầu ý kiến và công khai, minh bạch trong tài chính, nên người dân đã hưởng ứng rất nhiệt tình.

Ngụ tại ấp Trung Hiệp, ông Lê Văn Mảnh có 8 công đất trồng sầu riêng trong vùng đê bao khép kín. Mỗi công đất đóng góp tiền xây đê khoảng 400 ngàn đồng. Ông Mảnh cho biết: Việc xây dựng đê bản thân gia đình ông rất đồng tình với cách làm và điều hành của lãnh đạo xã. Kinh phí đóng góp cũng không quá cao so với hiệu quả mà đê bao mang lại. Trong đợt thu hoạch sầu riêng vừa qua, trừ hết các chi phí, gia đình ông Mảnh thu về được khoảng 200 triệu đồng. Trước đây khi chưa có đê bao, với diện tích này, gia đình ông không thể thu được lợi nhuận như thế. Từ khi có đê bao, người dân trong vùng dễ dàng chăm sóc và sản lượng sầu riêng cũng nhiều hơn, đặc biệt có thể xử lý cho sầu riêng ra trái mùa nghịch, giá bán cũng cao hơn.

Theo số liệu thống kê của xã, chỉ tính trong 2 năm trở lại đây, sản lượng cây ăn trái tăng dần theo từng năm (năm 2010: 7.000 tấn; năm 2011: 7.500 tấn). Điều này cho thấy hiệu quả thiết thực từ đê bao khép kín vườn cây ăn trái trên địa bàn Hưng Khánh Trung B. Đây cũng chính là tiền đề vững chắc để xã Hưng Khánh Trung B tiến đến xây dựng thành công tiêu chí thủy lợi nội đồng nói riêng, và các tiêu chí còn lại nói chung trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Bài, ảnh: Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN