Còn nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng quyền sở hữu công nghiệp quốc tế

03/03/2013 - 17:17

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.530 doanh nghiệp (DN), với tổng vốn đăng ký 6.170 tỷ đồng. Đa số các DN trong tỉnh đều có qui mô nhỏ, chiếm khoảng 97%, bình quân vốn đăng ký chiếm 2,44 tỷ đồng/DN.

Phần lớn các DN đều sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Mặt khác, chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm… đều chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng qui mô sản xuất còn hạn chế. Hầu hết các DN đều hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, thị trường hẹp, chưa dám đầu tư vốn phát triển và mở rộng thị trường, nhất là xuất khẩu nhằm tăng tính cạnh tranh trên thương trường trong và ngoài nước.

Đối với Bến Tre, các DN sản xuất hàng xuất khẩu thường tập trung vào các nhóm hàng chế biến từ dừa, thủy sản, trái cây. Hầu hết các sản phẩm đều ít xuất khẩu trực tiếp mà phải qua rất nhiều khâu trung gian. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho từng sản phẩm được quan tâm. Do vậy, việc sản phẩm bị đánh cắp thương hiệu, bị nhái thường xuyên xảy ra tranh chấp mà phần lớn đều thua thiệt về phía DN. Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Bến Tre, thời gian qua, các DN trong tỉnh thường chỉ chú trọng đến đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký với nước ngoài, chủ yếu là nhãn hiệu hàng hóa và số lượng còn rất khiêm tốn. Song, nhận thức của nhiều DN đã được nâng lên và vài DN cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu quốc tế cho sản phẩm của mình thông qua sự hỗ trợ, góp sức của Sở KH-CN. Điển hình như: Công ty TNHH MTV Chế biến dừa Lương Quới. Đây là Công ty chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng lon… xuất khẩu là chính. Trong quá trình sản xuất, Công ty không ngừng đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp hiện nay. Từ sản phẩm là dầu dừa thô khi mới thành lập với chỉ một phân xưởng sản xuất nhỏ, công suất chỉ khoảng 2.000 tấn/năm đến năm 2006, DN đã phát triển và mở rộng xây dựng thêm nhà máy Thành Vinh 1 và sản phẩm chính là cơm dừa nạo sấy, với công suất 9.000 tấn/năm, dầu dừa nguyên chất với công suất 100 tấn/năm. Sản phẩm này xuất chủ yếu sang Nam Phi, Mỹ, Trung Đông, một số nước châu Âu. Năm 2012, Công ty đã đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy sữa dừa đóng lon xuất khẩu qui mô lớn. Đơn vị đã mạnh dạn xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở các nước mà Công ty xuất khẩu sản phẩm của mình sang theo thỏa thuận Madrid. Theo đó, nếu sản phẩm tiêu thụ ngoài nước được bảo hộ sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là giá bán.

Mặt hàng kẹo dừa là một trong những thế mạnh của tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới bước đầu thành công. Tuy nhiên, về lâu dài cần có thương hiệu mang tầm quốc tế mới giữ vững được thương hiệu. Chính vì vậy, Công ty TNHH Vĩnh Tiến là một trong những đơn vị đi đầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp ngành kẹo. Các sản phẩm của Công ty đều đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc, Mỹ. Theo bà Đặng Thị Trúc Lan Chi - Giám đốc Công ty, khi được bảo hộ, Công ty sẽ có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín đối với khách hàng nước ngoài. Từ đó, trong năm qua, Công ty đã mạnh dạn đầu tư thay đổi hàng loạt các trang thiết bị hiện đại, áp dụng Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO:9001-2008 nên sản phẩm được bảo vệ an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, sản lượng và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.

HH-CĐ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN