COVID-19 tới 6 giờ sáng 6-7-2020: Thế giới vượt 11,5 triệu ca bệnh, nhiều nước tăng kỷ lục

06/07/2020 - 07:05

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 164.891 trường hợp mắc COVID-19 và 3,459 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 11,5 triệu người.

Công nhân phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Tijuana, Mexico, ngày 1-7-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Công nhân phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Tijuana, Mexico, ngày 1-7-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6-7-2020 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 11.537.093 ca, trong đó có 536.320 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 6.526.059 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm đang là 58.499 ca và 4.474.714 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 5-7-2020, thế giới có 113 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 69 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong đó có Ấn Độ, Iran, Philippines và Nam Phi...

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 4-7-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 4-7-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (40.435 ca) và Brazil (24.679 ca) và Ấn Độ (23.932 ca); trong khi các nước Mexico (523 ca), Brazil (502 ca) và Ấn Độ (421 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 3-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 3-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.

Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.

Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.  

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mexico City, Mexico, ngày 16-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mexico City, Mexico, ngày 16-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Mexico cho biết số người chết vì COVID-19 ở nước này tính tới sáng 6-7-2020 đã tăng lên 30.366 người, qua đó vượt qua Pháp để trở thành quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 5 thế giới trong đại dịch toàn cầu này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5-7-2020 (theo giờ địa phương), Giám đốc quốc gia của Cục Dịch tễ học thuộc Bộ Y tế Mexico, ông Jose Luis Alomia nêu rõ: "Tính tới thời điểm này, 30.366 người xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong phòng thí nghiệm đã tử vong".

Hết ngày 5-7-2020, Mexico ghi nhận tổng cộng 252.165 ca COVID-19, đứng thứ 3 ở châu Mỹ.

 Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Canada ngày 18-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
 Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Canada ngày 18-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Giới khoa học và hoạch định chính sách Canada hiện dự báo làn sóng lây nhiễm thứ 2 của đại dịch COVID-19 sẽ diễn ra vào cuối năm nay ở nước này. Theo kết quả một cuộc khảo sát mới công bố, khoảng 2/3 số người được hỏi đã ủng hộ Canada đóng cửa trở lại doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực không thiết yếu, nếu số ca mắc mới tăng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn người tham gia ủng hộ quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên, đáng chú ý, Thủ hiến Ontario Doug Ford từng nhiều lần bác bỏ ý tưởng này.

Ngoài ra, gần 90% người tham gia khảo sát của Nanos cho rằng làn sóng dịch thứ 2 có thể diễn ra trong 6 tháng tới. Hiện số ca mắc COVID-19 mới tính theo ngày đang có xu hướng giảm tại Canada. Chẳng hạn số ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 30-6-2020 là 286, thấp hơn nhiều so với con số 772 ca của ngày 30-5-2020.

Bà Theresa Tam, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada ngày 5-7-2020 cho biết hiện nước này đã có 105.317 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, với  8.674 trường hợp tử vong. Trong tuần qua, trung bình Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho 39.000 người/ngày, trong đó chỉ 1% có kết quả xét nghiệm dương tính.

Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Chennai, Ấn Độ ngày 16-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Chennai, Ấn Độ ngày 16-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số liệu ngày 5-7-2020 của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, cho biết nước này ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày cao nhất từ trước tới nay, sau khi phát hiện thêm 24.850 ca dương tính trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân tại Ấn Độ lên 673.165 ca.

Như vậy, đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Ấn Độ tăng ở mức trên 20.000 ca/ngày. Số ca tử vong là 19.268 người, tăng 613 trường hợp. Với đà tăng này, Ấn Độ có khả năng cao vượt qua Nga, nước hiện đứng thứ ba về số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu, sau Mỹ và Brazil.

Đến nay, 409.082 bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ được chữa khỏi, với tỷ lệ phục hồi đạt 60,76% và tỷ lệ tử vong dưới 2,95%. Đã có 14 bang ở nước này ghi nhận số ca nhiễm trên 10.000 ca và Maharashtra vẫn là vùng dịch lớn nhất Ấn Độ với 200.064 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tại bang Tamil Nadu cũng là hơn 100.000 ca, còn thủ đô Delhi đang tiến sát ngưỡng này với 97.200 ca.

Hành khách đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Hành khách đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), tính đến ngày 4-7-2020, Ấn Độ đã tiến hành tổng cộng gần 9,8 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, trong đó có 248.934 xét nghiệm được thực hiện trong cùng ngày.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh trên, thủ đô New Delhi của Ấn Độ bắt đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm mới được thành lập với diện tích tương đương 20 sân bóng đá và 10.000 giường bệnh. Trung tâm này được xem là bệnh viện dã chiến điều trị bệnh COVID-19 lớn nhất thế giới.
Với chiều hướng gia tăng số ca mắc bệnh hiện nay, một số quan chức chính phủ Ấn Độ lo ngại đến cuối tháng 7 này thủ đô New Delhi có thể ghi nhận hơn 500.000 ca mắc COVID-19. Báo cáo mới nhất cho thấy tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong do dịch bệnh này ở Ấn Độ đã lên tới lần lượt 673.000 ca và 19.268 ca.

Cảnh nhộn nhịp tại một khu phố ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Cảnh nhộn nhịp tại một khu phố ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang đe dọa Tây Ban Nha. Ngày 5-7-2020, chính quyền vùng Galicia của nước này đã ra lệnh phong tỏa thành phố La Marina 70.000 dân.

Theo đó, tất cả cư dân thành phố không được phép rời khỏi khu vực sinh sống và không được tụ tập trên 10 người. Lệnh phong tỏa có hiệu lực ít nhất 5 ngày. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi giới chức vùng Galicia áp đặt cách ly trở lại đối với 200.000 người do ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở gần thành phố Lerida phía Đông Bắc Tây Ban Nha, cách thủ phủ Barcelona (Bác-xê-lô-na) của vùng Catalonia hơn 150 km về phía Tây.

Giới chức y tế vùng Galicia cho biết vùng này đã ghi nhận tổng cộng 106 ca mắc COVID-19, tăng 21 ca so với một ngày trước đó.

Cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Ireland Eamon Ryan cho biết từ ngày 20-7-2020 tới Ireland sẽ nới lỏng quy định cách ly đối với người từ nước ngoài đến nước này. Theo đó, những người đến từ các quốc gia nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp sẽ được miễn thực hiện tự cách ly trong 14 ngày.

Ireland hiện là một trong những nước có tỷ lệ lây lan dịch COVID-19 thấp nhất châu Âu. Đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 25.498 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.740 ca tử vong.

Theo số liệu cập nhật của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 5-7-2020, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 8 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 6 ca nhập cảnh và 2 ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện tại Bắc Kinh .

Trong số 6 ca nhập cảnh mới, có 3 ca tại tỉnh Cam Túc, 1 ca tại tỉnh Tứ Xuyên và các ca còn lại được ghi nhận tại các thành phố Thiên Tân và Thượng Hải. Tính đến nay, đã có 1.863 ca phục hồi được xuất viện và chỉ còn 68 ca đang điều trị. Không có ca nào nguy kịch.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia, tính đến hết ngày 4-7-2020, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.553 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong và từ giữa tháng 5 nước này không ghi nhận thêm ca tử vong vào do COVID-19.

Thủ tướng Shinzo Abe ngày 4-7-2020 khẳng định Nhật Bản chưa cần thiết phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19 mặc dù số ca bệnh mới ở nước này đang có xu hướng gia tăng.

Theo đài truyền hình NHK, Thủ tướng Abe đã đưa ra lời khẳng định trên trong cuộc họp với Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura - người phụ trách công tác ứng phó với đại dịch COVID-19, cùng Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato ở Tokyo.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Abe đã được tóm tắt về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc, trong đó có thủ đô Tokyo - nơi ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trong 3 ngày liên tiếp. Ông cũng nhất trí với 2 bộ trưởng rằng mặc dù chưa cần thiết phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian tới, nhưng cần theo dõi sát sao tình hình.

Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 5-7-2020 đã xác nhận thêm 61 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, đưa tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên 13.091 người.

Tín hiệu tích cực là Hàn Quốc không ghi nhận thêm ca tử vong nào, trong khi đã có thêm 21 bệnh nhân COVID-19 hồi phục hoàn toàn, nâng tổng số ca bệnh được chữa khỏi lên 11.832 người.

Trước đó, KCDC hôm 22-6-2020 cho biết khu vực đô thị (Seoul và vùng phụ cận) đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống dịch COVID-19 kéo dài.

Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng các biện pháp "giãn cách xã hội" vào ngày 6/5 vừa qua, tại nước này đã xuất hiện những cụm lây nhiễm lẻ tẻ. Theo số liệu thống kê mới nhất, khu vực đô thị Seoul chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận trong 2 tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Đây cũng là lý do khiến các cơ quan chức năng Hàn Quốc đưa ra cảnh báo có thể xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trên quy mô toàn quốc trong bối cảnh các ca bệnh mới trong cộng đồng tiếp tục tăng.

Ngày 5-7-2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này đang ở "trong tình trạng khẩn cấp" do sự tăng nhanh trở lại các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với việc ghi nhận thêm 755 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 29.787 người.

Phát biểu tại phiên họp nội các hàng tuần tại Jerusalem, nhà lãnh đạo Israel cho biết nước này đang chứng kiến sự gia tăng gấp đôi số ca mắc COVID-19 và sự gia tăng trở lại đang thách thức hệ thống y tế Israel.

Trước đó một ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Quốc hội Israel được giao nhiệm vụ phê duyệt các quy định liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, theo đó hạn chế việc tụ tập đông người trong quán bar, các sự kiện và giáo đường Do Thái giáo. Quy định chỉ cho phép tụ tập tối đa 50 người và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6-7-2020.

Thủ tướng Netanyahu cho hay động thái trên là việc làm cần thiết và dự kiến được thực hiện trong những ngày tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và xử lý khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ Saudi Arabia thông báo bổ sung các dịch vụ cho người nước ngoài đang bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 nhằm mục đích đẩy mạnh nỗ lực của chính phủ để giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế. Các dịch vụ bao gồm việc gia hạn giấy phép cư trú cho người nước ngoài sinh sống tại Saudi Arabia và nước ngoài trong 3 tháng, trong đó có những người hiện ở Saudi Arabia với thị thực thăm viếng. Các loại thị thực đến và đi cũng sẽ được gia hạn thêm 3 tháng, mọi dịch vụ đều miễn phí.

Ngoài ra, Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 5-7-2020 ghi nhận thêm 3.580 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên thành 209.509 người. Trong khi đó, Saudi Arabia ghi nhận thêm 58 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.916 người.

Ngày 5-7-2020, giới chức y tế Iran ghi nhận có 163 người thiệt mạng vì COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua, con số cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 2.

Bộ Y tế Iran cho biết, với số liệu mới nhất, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 11.571 người tại nước này, trong khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 240.438 ca.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5-7-2020, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 4.177 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.680 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực ASEAN có 5 nước phát sinh các ca mắc COVID-19.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.682 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 89 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 165.649 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 83.592 trường hợp.

Diễn biến trong 24 giờ qua đặc biệt đáng ngại ở Philippines, khi nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục tính theo ngày.
 
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, dù vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai.

Thủ đô Jakarta là tâm dịch COVID-19 của nước này. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nguy hiểm, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại trong giai đoạn chuyển tiếp sang trạng thái “bình thường mới” thêm 14 ngày, đồng thời siết chặt giám sát các chợ truyền thống và hoạt động vận tải đường sắt.

Thống đốc Anies cho biết sau khi cùng Lực lượng đặc nhiệm chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phân tích tình hình dịch bệnh tại thủ đô, chính quyền thành phố quyết định duy trì các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) cho đến ngày 15-7-2020 tới.

Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Anies nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao kỷ luật của công chúng ở 3 khía cạnh quan trọng là sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng các ca lây nhiễm một khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Tại Madagascar, văn phòng tổng thống nước này ngày 5-7-2020 thông báo quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa thủ đô Antananarivo sau 2 tháng nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Theo đó, cấm ra vào thành phố, đồng thời người dân nội đô cũng phải hạn chế đi lại. Mỗi gia đình chỉ có 1 người được phép ra khỏi nhà trong khung thời gian từ 6h sáng đến 12h trưa. Mọi cuộc họp của Chính phủ sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến. Quy định này sẽ có hiệu lực đến ngày 20-7-2020.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Madagascar đột ngột tăng lên hơn 200 ca, sau quãng thời gian dài số ca nhiễm mới trong ngày chỉ ở mức 2 con số. Tính đến ngày 5-7-2020 Madagascar ghi nhận tổng cộng 2.728 ca nhiễm và 29 ca tử vong do COVID-19.

Sáng 5-7-2020, Bộ Y tế Nam Phi thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 10.853 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 việm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 187.977 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại Nam Phi kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này hồi đầu tháng 3.

Cũng trong 24 giờ qua, Nam Phi có thêm 74 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, tính đến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 3.026 người tại Nam Phi. Hiện Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi.

Ba tuần sau khi phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, ngày 27-3-2020, Nam Phi đã ban bố lệnh phong tỏa và đã đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, ngày 1-5-2020, Nam Phi bắt đầu thực hiện trạng thái bình thường mới và hiện đang trong giai đoạn 3 của tiến trình này. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đang khiến nước này rơi vào tình trạng dịch bệnh gia tăng trở lại.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN