Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Aleksandr Moiseev ngày 12-12, cảnh báo về sự gia tăng hoạt động quân sự của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Bắc Cực, biến khu vực này thành điểm nóng tiềm tàng.
Tuyết bao phủ tại đảo Lofoten, Bắc Cực. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Quốc tế lần thứ 14 “Bắc Cực: Hiện tại và Tương lai”, ông Moiseev cho biết Mỹ và các nước NATO đang mở rộng các hoạt động hải quân, thử nghiệm khả năng tác chiến trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tăng cường trinh sát trên không và triển khai tàu chiến cũng như tàu trinh sát.
Ông cũng lưu ý rằng sự tái lập Hạm đội 2 của Hải quân Mỹ vào năm 2018 và việc thành lập Bộ Chỉ huy Norfolk Liên hợp của NATO vào năm 2019 đã đánh dấu Bắc Cực như một khu vực hoạt động thường trực của các lực lượng NATO.
Năm 2024, theo ông, không phải ngoại lệ khi liên minh tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai thêm binh lính tại các quốc gia Bắc Cực.
Bắc Cực đang trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các cường quốc nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và các tuyến hàng hải chiến lược.
Ông Moiseev cho rằng, việc phương Tây đình chỉ hợp tác với Nga trong các tổ chức khu vực, tăng cường hiện diện quân sự và cản trở hoạt động kinh tế của Moskva là những nguyên nhân chính khiến tình hình khu vực ngày càng trở nên căng thẳng.
Tư lệnh Hải quân Nga nhấn mạnh rằng Nga sẽ không chấp nhận những hành động vượt qua “giới hạn đỏ” tại khu vực này và sẽ tiếp tục duy trì năng lực quân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng khốc liệt.
Tư lệnh Moiseev cũng đồng thời khẳng định các lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Nga đã được hiện đại hóa toàn diện và duy trì trạng thái sẵn sàng cao nhất.
Tàu ngầm hạt nhân của Nga. Ảnh: Sputnik
Ông Moiseev nhấn mạnh: “Lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt là thành phần hải quân đóng tại Bắc Cực và khu vực Kamchatka, dù không thuộc vùng Bắc Cực, đều ở trạng thái sẵn sàng cao nhất. Tôi khẳng định điều này từ kinh nghiệm của một người đã dành nhiều năm phục vụ trong lực lượng này. Toàn bộ nhóm tác chiến đã được hiện đại hóa hoàn chỉnh”.
Ông cũng khẳng định các lực lượng hạt nhân là “bảo đảm then chốt” cho an ninh quốc gia Nga, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị tại Bắc Cực.
Bắc Cực chiếm hơn 1/6 diện tích bề mặt đất liền của Trái Đất, bao gồm vùng Bắc Cực và các dải băng dày đến 20 m. Theo ước tính, khu vực này chứa khoảng 22% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt chưa được khám phá trên toàn cầu, trong đó Nga sở hữu 52% và Na Uy nắm giữ 12%.
Nơi đây đang trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường thế giới, khi các nguồn tài nguyên phong phú và tuyến đường chiến lược ở đây dần lộ diện.