Cuộc chuyển giao không êm ả

29/06/2009 - 08:39

Chưa đầy 24 giờ nữa là tới thời hạn chót (ngày 30-6) để quân đội Mỹ rút khỏi các thành phố và thị trấn chính của I-rắc theo hiệp định an ninh giữa hai bên. Nhà Trắng vừa tái khẳng định cam kết của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma rằng, không thay đổi kế hoạch rút quân khỏi "Xứ sở nghìn lẻ một đêm" và tiến trình rút quân sẽ hoàn tất vào cuối năm 2011.

Từ thời điểm "kiến trúc sư trưởng chiến tranh" Đô-nan Răm-xphen phát biểu thông báo về quyết định của Oa-sinh-tơn phát động cuộc chiến tại I-rắc, tháng 11-2002, rằng: "Tôi không thể biết cuộc chiến tranh I-rắc sẽ kéo dài bao lâu, song nó sẽ không nhiều hơn 5 tháng" thì giây phút sắp đến là thời điểm được ngóng chờ nhiều nhất không chỉ của những người mẹ, người vợ, người chị ở bên kia bờ đại dương mà còn của cả người dân I-rắc và cộng đồng quốc tế.

 

Chiến tranh, bạo lực, xung đột giữa các phe phái... diễn ra hằng ngày kể từ khi quân đội Mỹ, với mục tiêu truy tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt, đơn phương tấn công I-rắc, lật đổ chế độ Xát-đam Hút-xen (9-4-2003). Người dân ở quốc gia vùng Vịnh này đã chán ngấy trước sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài. Hơn 6 năm đã trôi qua, thời gian mà người dân I-rắc được cho là đã sống trong chế độ hòa bình và dân chủ, ngẫm lại, họ được những gì? Hơn 6 năm, hơn 100 nghìn thường dân đã thiệt mạng, khoảng gần 5 triệu người mất nhà cửa. Bạo lực là nỗi ám ảnh hằng giờ, hằng ngày; thậm chí, I-rắc đã cận kề một cuộc nội chiến giữa các phe phái, sắc tộc. Chiến tranh, bạo lực vẫn còn "dậy sóng" thì chắc chắn, bài toán kinh tế, phát triển các điều kiện chăm sóc xã hội cho người dân của Chính phủ I-rắc vẫn là một mục tiêu rất xa vời.

 

Nhiều nhà quan sát khẳng định, Oa-sinh-tơn đã thất bại trong cuộc chiến này. Chiến tranh và bạo lực không bao giờ đem đến những lợi ích đích thực. Mặc khác, "vũng lầy" I-rắc còn tiêu hao quá nhiều tiền của người dân Mỹ (hơn 600 tỷ USD) và khiến hơn 4.300 binh sĩ Mỹ bỏ xác tại chiến trường khốc liệt này. Nỗi ám ảnh mang tên I-rắc chắc chắn sẽ đeo bám suốt đời với nhiều lính Mỹ trở về. Họ chiến đấu vì điều gì? Có chăng chỉ vì một mục tiêu vô hình cho lợi ích của các nhà hoạch định chính sách ở bên kia bờ đại dương mà thôi. Bởi sau khi nghiên cứu 600 nghìn tài liệu lấy được ở thủ đô Bát-đa, cuối cùng, Trung tâm Phân tích tác chiến của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã rút ra kết luận: Không có mối liên hệ nào giữa cựu Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen và lực lượng khủng bố Al Qaeda. Sự thật cũng được phơi bày là nhà lãnh đạo I-rắc này không có vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như không liên quan gì đến trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen. Cách đây hơn 6 năm, Nhà Trắng đã khiến dư luận Mỹ tin vào điều ngược lại. Cuộc chiến I-rắc đã chứng minh sự phá sản của học thuyết "đánh đòn phủ đầu" và chính sách đơn phương của Mỹ. Việc đơn phương tấn công I-rắc không hề làm nước Mỹ an toàn hơn, mà trái lại đã khiến các lực lượng cực đoan khắc sâu thêm sự thù hận với Oa-sinh-tơn, đe dọa các lợi ích Mỹ ở khắp nơi trên thế giới.

 

Rút quân đã là vấn đề cấp thiết. Chính điều ấy đã giúp Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma giành được thêm những lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua khi ông cam kết một lộ trình rút quân khỏi I-rắc. Thực hiện lời hứa, ông Ô-ba-ma đã công bố kế hoạch rút hết 138.000 quân Mỹ khỏi I-rắc trong vòng 18 tháng và quân Mỹ sẽ ngừng tham chiến kể từ ngày 31-8-2010. Trách nhiệm bảo đảm an ninh sẽ được quân Mỹ chuyển giao dần cho quân Chính phủ I-rắc từ nay đến cuối năm 2011. Tuy nhiên, bài toán rút quân không hề đơn giản. Trước hết là việc đưa trở lại Mỹ hàng trăm căn cứ quân sự, hàng nghìn tòa nhà, kho nhiên liệu, hàng chục kho vũ khí và hàng triệu đơn vị đạn dược, 48.000 xe cộ, trong đó rất nhiều xe thiết giáp... đang trở thành vấn đề đau đầu với giới chức Lầu Năm Góc.

 

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm nhất là I-rắc sẽ ra sao sau cuộc lui binh của Mỹ? Lo ngại về tình trạng rối loạn đã dấy lên khi trong những ngày gần đây quốc gia vùng Vịnh này liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu. Ngày 26-6, thủ đô Bát-đa đã rung chuyển khi quả bom gài trên một chiếc xe máy phát nổ ở quận Na-đa, trung tâm Bát-đa, làm 19 người thiệt mạng và 45 người bị thương. Trước đó, chỉ sau hai ngày sau khi quân đội Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát vùng Xa Xi-ti, ở thủ đô Bát-đa cho lực lượng I-rắc thì ngày 24-6, một vụ đánh bom đã nổ ra tại khu chợ sầm uất Mơ-ra-di, nơi có đa số dân cư là người Hồi giáo dòng Si-ai sinh sống, cướp đi sinh mạng của 69 người và làm 135 người bị thương. Đây là vụ đánh bom đẫm máu nhất trong 2 năm qua ở khu vực này... Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng I-rắc Nu-ri An Ma-li-ki đã cảnh báo, lực lượng nổi dậy ở nước này có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động tấn công nhằm phá hoại uy tín của chính phủ, làm mất lòng tin của người dân vào khả năng các lực lượng trong nước có thể kiểm soát được an ninh.

 

Cuộc chiến đang đi qua, cái được và mất là điều hẳn Oa-sinh-tơn đã toan tính. Khi I-rắc lâm vào tình trạng rối loạn, chắc chắn, các quốc gia như I-ran, Xy-ri... có thể nâng cao vị thế và gia tăng ảnh hưởng tại nước này. Giữ được ảnh hưởng để duy trì lợi ích ở I-rắc, quốc gia có vị trí quan trọng ở nơi giàu tài nguyên này, xem ra bài toán chuyển giao quyền lực mà Oa-sinh-tơn đang thực hiện không hề êm ả.

Nguồn HNM

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN