Cuối năm 2016, có ít nhất 50% hộ thoát nghèo bền vững

04/05/2012 - 07:43

Dự án cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo do Tổ chức Heifer Việt Nam triển khai tại huyện Thạnh Phú gần như đã trao cả “cần câu và mồi câu” cho hộ nghèo. Phần việc còn lại là sự cần mẫn, chí thú làm ăn và hợp tác nhiệt tình từ phía những nông hộ nghèo. Mỗi hộ nghèo nhận một con bò nái tơ (lai sind, khoảng 10 tháng tuổi, trọng lượng bình quân 175kg, trị giá 11 triệu đồng, đã được tiêm ngừa), hỗ trợ vốn làm chuồng. Nếu sau một đến ba năm, bò nái không mang thai thì dự án sẽ đổi con bò nái khác.

 

Nếu bò nái đẻ ra bê con là đực, nông hộ có quyền bán và phải mua một con bò nái khác. Lúc này mới chuyển giao con bò nái ban đầu cho hộ nghèo kế tiếp. Ngoài ra, mỗi nông hộ khi tham gia dự án còn được hưởng những ưu đãi khác như hỗ trợ vốn vay để “lấy ngắn, nuôi dài” (khoảng 2 triệu đồng/hộ để chăn nuôi nhỏ như gà, vịt, heo, nuôi tôm, buôn bán nhỏ), được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để làm kinh tế gia đình, gây quỹ tương trợ giúp đỡ nhau…

Tại xã Mỹ An, lễ cấp phát gia súc bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút ngày 29-4-2012, 50 con bò đã được cột sẵn trong khuôn viên của UBND xã. Đây là đợt cấp phát gia súc cuối cùng của dự án cho 50 hộ nghèo còn lại của Mỹ An (cũng là đợt cuối của dự án triển khai cho 300 hộ nghèo ở hai xã Mỹ An và Mỹ Hưng). Ai cũng tràn ngập niềm vui, trên tay người cầm sợi dây, người xách cả lưới may mùng cho bò. Một số người còn bước thẳng ra ngoài sân - nơi cột bò, để xem mặt, mũi những chú “bê yêu” mà mình sắp nhận về. “Đợt này, bò đều đều (bằng nhau) không à nghen. Con nào cũng đẹp quá” - nhiều người nhận xét như vậy. Họ xem là để xem tướng, xoáy tích, màu lông, xem cả số để khi bắt số mà biết bò của mình đứng ở đâu. Chị Hồ Thị Hiếu ở ấp An Hòa, vui mừng cho biết: Mặc dù biết gia đình sẽ nhận được bò, từ hơn tháng nay, chuồng đã làm xong, đã vắt  cây rơm, ông xã tôi còn tranh thủ trồng thêm cỏ. Gần đến ngày nhận, thú thiệt ăn ngủ không được. Anh Nguyễn Văn Dũng cũng ở An Hòa thì lo xa hơn: “Dự án hỗ trợ một triệu đồng, gia đình bù thêm chút đỉnh làm cái chuồng cho rộng, bởi bò còn đẻ, sợ không đủ để hai mẹ con ở sau này”. “Tập huấn có ý nghĩa lắm, trước đây tôi cũng có nuôi bò, nhưng khi tham gia xong lớp học mới hiểu nhiều hơn về cách vỗ béo, cho bò ăn những thức ăn gì thêm - ngoài cỏ, lượng thức ăn là bao nhiêu thì đủ…” - là tâm sự của anh Trần Văn Hùng, ấp An Hòa, xã Mỹ An.

Bà Đặng Thị Đoan Trang - Giám đốc Heifer Việt Nam cho biết: Được Heifer cấp vốn là một sự nỗ lực, sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh nhà khi quyết định đối ứng vốn 50-50 với tổ chức. Tôi tin rằng hiệu quả của dự án sẽ giúp địa phương kéo giảm được tỷ lệ hộ nghèo, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành phong trào xây dựng nông thôn mới.

Được biết, năm 2008, dự án lần đầu tiên được triển khai ở xã Thới Thạnh với 40 hộ, rồi 120 hộ của xã Bình Thạnh (vốn 100% của Heifer), bước đầu đã có hiệu quả thiết thực. Tại xã Thới Thạnh, từ 40 hộ đã tăng thêm 40 hộ nghèo khác tham gia, tại Bình Thạnh, trong tháng 6 tới, nhiều hộ của dự án sẽ thực hiện chuyển giao bò cho những hộ nghèo liền kề. Riêng hai xã Mỹ An và Mỹ Hưng, qua hai đợt cấp phát, đến nay, đàn bò phát triển tốt, các tổ tương trợ đã gây được nguồn quỹ khoảng 1,5 triệu đồng/nhóm. Ngoài ra, từ nguồn vốn của dự án cho nông hộ nghèo làm kinh tế nhỏ, đã giải ngân vốn cho 100 hộ để đầu tư làm kinh tế gia đình (sắp tới sẽ giải ngân cho những hộ còn lại). Theo nhận xét của Ban Quản lý dự án, từ hiệu quả ban đầu đạt được của xã Thới Thạnh, rồi Bình Thạnh, tin rằng đến cuối năm 2016, khi dự án kết thúc, có ít nhất 50% hộ tham gia sẽ thoát nghèo bền vững.

 

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN