Cứu người “vượt cạn” trong đêm

26/03/2010 - 09:00
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu và sản phụ Nguyễn Thị Trúc bình phục dần sau ca mổ. Ảnh: P.L.H.H

Lúc gần 20 giờ ngày 15-3-2010, một cú điện thoại khẩn từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạnh Phú gọi lên Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cho biết tại khoa cấp cứu sản của bệnh viện này có một ca đang nguy kịch. Một phụ nữ sau khi sinh bị băng huyết nặng, huyết áp hiện chỉ còn… có 3 (30mm thủy ngân). Hiện bệnh viện không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh cấp cứu vì khi chuyển đi, đường xa hơn 45 km, bệnh nhân có thể tử vong!

Nhận được điện, thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Oanh, Trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu điều ngay đội cấp cứu sản ngoại viện của khoa tức tốc lên đường đến huyện biển Thạnh Phú. Đội gồm bác sĩ Nguyễn Thị Thu, Phó Trưởng khoa, bác sĩ Võ Thị Búp, bác sĩ trực khoa ngày hôm ấy, kỹ thuật viên gây mê hồi sức Võ Quốc Dũng, kỹ thuật viên xét nghiệm Trịnh Văn Tuấn và một tài xế lái xe cấp cứu của bệnh viện có nhiều năm kinh nghiệm. Trước khi xe lăn bánh lúc 20 giờ 30, bác sĩ Oanh điện thoại cho bến phà Hàm Luông để nơi đây chuẩn bị sẵn sàng cho xe cấp cứu nhanh chóng qua phà và chỉ sau 40 phút, đội cấp cứu đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạnh Phú.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu và bác sĩ Võ Thị Búp, hai người phẫu thuật chính cho ca này, kể: Đó là sản phụ Nguyễn Thị Trúc, 19 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú. Lúc 16 giờ 40 cô Trúc sinh con so, sinh thường tại Bệnh viện Thạnh Phú, nhưng sau khi sinh thì bị băng huyết, choáng do mất máu rất nhiều. Càng nguy kịch hơn là khi đội cấp cứu tiếp cận với cô, huyết áp chỉ bằng 0, mê sảng, rối loạn do đông máu và vô niệu (không còn nước tiểu)! Sau khi hội chẩn, bác sĩ Thu quyết định phẫu thuật cắt tử cung của sản phụ để cầm máu. Khi bác sĩ Thu rạch đường dao đầu tiên, nơi đường rạch không còn máu. Cái khó kế đến là ở Bệnh viện Đa khoa Thạnh Phú không có đủ thuốc để hồi sức, do đó kỹ thuật viên Võ Quốc Dũng phải xoay xở rất nhiều việc trong phục vụ ca phẫu thuật. Bác sĩ Thu nói: “Trường hợp nguy cấp này dù chúng tôi có đem theo máu nhưng phải hồi sức tích cực bằng máu tươi để nâng huyết áp, vừa hồi sức, vừa mổ. May quá, người của gia đình cô Trúc rất đông, tất cả đã cho đến 8 bịch máu để cứu cô Trúc. Ca mổ hoàn tất lúc 22 giờ đêm, sau đó huyết áp đã kéo lên dần 10/6 và đến lúc 0 giờ 30 ngày 16-3, cô Trúc đã có lại nước tiểu. Chúng tôi rất mừng…”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu cho biết, nhiều khoa khác của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cũng có đội cấp cứu ngoại viện như khoa sản, hễ có chuyện là các y bác sĩ trực sẽ “phóng” ngay đến các bệnh viện, các trung tâm y tế ở các huyện, bất kể vùng sâu, vùng xa. Người trong các đội cấp cứu ngoại viện cũng giống như những người lính ứng chiến với “ba lô, súng ống” đã soạn sẵn, ngoài công tác chuyên môn tại khoa, “chiến trường” cần gì, khi gọi đến thì trưởng khoa sẽ điều hành ngay. Quay trở lại trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Trúc, nếu hôm ấy đội cấp cứu đến trễ chừng 30 phút, có thể cô đã tử vong!
Alô! Đội cấp cứu ngoại viện… Những chiếc áo trắng lại hối hả lên đường, lao vào trận chiến mới.

Ba Cù Lao

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN