|
Các thành viên trong đoàn tham quan. Ảnh: LĐLĐ |
Liên đoàn Lao động tỉnh vừa tổ chức cho nhiều đồng chí hưu trí chuyến tham quan du lịch Côn Đảo. Chuyến đi với thời gian không dài nhưng đã khắc ghi dấu ấn khó quên đối với các thành viên trong đoàn. Chuyên mục Lao động và Công đoàn xin giới thiệu cảm nhận của đồng chí Đặng Quế Phương về chuyến đi này.
Sau một đêm lênh đênh trên biển cả, chuyến tàu cập bến, đưa đoàn cán bộ hưu trí về nguồn thăm Côn Đảo. Đúng 6 giờ ngày 7-4-2010, đoàn đặt chân lên mảnh đất Côn Đảo anh hùng. Côn Đảo giờ đây đang trên đà xây dựng và phát triển, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Thiên nhiên Côn Đảo thật trong lành, thân thiện với những bãi cát trắng mịn màng, nước biển xanh trong đầy thơ mộng. Nhưng Côn Đảo không chỉ có vậy! Đến với Côn Đảo là đến với những địa danh bất hủ, huyền thoại, những di tích lịch sử đầy máu và nước mắt. Côn Đảo, một địa danh nổi tiếng, từ lâu đã trở thành dải đất thân thiết, thiêng liêng, nơi ngưỡng mộ và tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù ở nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Côn Đảo mãi mãi là một địa danh đã viết nên những trang sử thi thấm đẫm chất bi hùng.
Đến với Côn Đảo, được tận mắt xem những chuồng cọp, chuồng bò… những hình thức giam cầm, hành hạ, tra tấn, đày ải tù nhân được tái hiện bằng hình ảnh sinh động và qua lời kể của người thuyết minh. Một hệ thống nhà tù hiện đại, bộ máy cai ngục khổng lồ với tất cả sự hiểm độc, bạo tàn của chế độ lao tù kiểu Mỹ và hình ảnh của lớp lớp người tù chính trị kiên trung, bất khuất đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất đảo vốn rất tươi đẹp, hiền hòa đã bị kẻ thù biến thành chốn địa ngục trần gian… Tất cả đã hiện lên trước mắt, trỗi dậy mạnh mẽ trong từng người tình yêu thương, kính phục và căm thù.
Đúng như Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu đã viết về sự hiểm độc và tàn bạo của bọn Mỹ - ngụy và tay sai của chúng đối với tù chính trị của ta ở nhà tù Côn Đảo: “Hành hạ người tù đau đớn tột cùng về thể xác, truy bức người tù căng thẳng tột cùng về tâm lý, dai dẳng và trường kỳ, chúng đẩy người tù đến bên miệng hố của tử thần để họ day dứt trăn trở, chết dần, chết mòn từng giờ, từng phút. Song, cứ mỗi lần họ hấp hối, họ tỉnh dậy, họ thề với lương tâm một lần nữa quyết chết cho lý tưởng, chết để vẹn toàn khí tiết, thì chúng nó lại nhượng bộ một chút, nới ra một tí, cho họ ăn uống trở lại, sinh hoạt bình thường để họ khát khao sự sống. Chập chờn giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Hàng chục lần, hàng trăm lần tra tấn tái diễn, tư tưởng, tâm trạng con người luôn luôn căng thẳng, dễ dao động, chẳng khác gì một thỏi thép quẳng vào lò, nung đỏ lên rồi quăng xuống nước cho nó biến dạng, rạn nứt. Bọn cải huấn, công an, mật vụ, tâm lý chiến chực sẵn để chộp lấy những giây phút dao động, mềm yếu của tù nhân mà đánh tiếp những đòn tiến công khác”. Quả thật, đây là một cuộc chiến đấu quyết liệt, cam go, để giành giật với kẻ thù từng giây, từng phút mà sức của con người tưởng không thể nào chịu đựng nổi để vượt qua chính bản thân mình. Vì vậy, sẽ rất đúng khi nói rằng: chiến thắng vẻ vang nhất, oanh liệt nhất của người tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo này là chiến thắng chính bản thân mình. Chiến thắng chính bản thân mình là chiến thắng kẻ thù Mỹ - ngụy, chiến thắng sự bạo tàn; là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, của khát vọng độc lập tự do, của niềm tin và ý chí sắt đá, của sự thủy chung sắt son với Đảng, với Bác Hồ của người chiến sĩ cộng sản.
Nghĩa trang Hàng Dương đầy cát và cát, giờ đây rất đẹp, một vẻ đẹp trầm buồn, lặng lẽ, trang nghiêm. Nơi đây, mãi mãi sẽ là một minh chứng cho sự bạo tàn của chế độ nhà tù Côn Đảo và sự chiến đấu kiên cường của những người chiến sĩ cộng sản kiên trung trước nanh vuốt của kẻ thù. Tôi đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương mà nghe lòng mình chùng xuống, quặn đau. Nhìn những dãy mộ chí tôi nhận ra: có các liệt sĩ với đầy đủ danh tánh được ghi trên bia mộ, nhưng cũng có những mộ bia không xác định được họ tên liệt sĩ và không biết còn có bao nhiêu người nữa đã vĩnh viễn nằm yên ở đâu đó trong lòng đất đảo xa xôi này mà không bia, không mộ chí.
Xin cho tôi được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những đồng chí - người chiến sĩ cộng sản - người con ưu tú của dân tộc, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Xin được tạc vào lòng tôi một bia mộ với tất cả lòng tự hào, tri ân, thành kính và biết ơn!
Về nguồn Côn Đảo, từ lâu là niềm mong ước của tôi. Cảm ơn Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre đã cho tôi, người cán bộ hưu trí cơ hội đó, thỏa lòng mong ước bấy lâu. Cảm ơn về một chuyến đi đầy ý nghĩa; được tổ chức và phục vụ rất ân cần, chu đáo và an toàn.