Mỏ Cày Bắc

Đầu tư cơ sở vật chất nâng tầm chất lượng giáo dục

25/05/2022 - 05:27

BDK - Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, huyện Mỏ Cày Bắc đã đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn ngày càng khang trang. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Thành An (Mỏ Cày Bắc) dạy học qua màn hình tương tác.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Thành An (Mỏ Cày Bắc) dạy học qua màn hình tương tác.

Thay đổi diện mạo

Trường Tiểu học Thành An là một trong nhiều công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Năm 2019, trường được đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo hướng chuẩn quốc gia, với 20 phòng học và phòng chức năng. Các phòng học được xây dựng hiện đại, sạch đẹp, trang bị đầy đủ đồ dùng học tập, giáo cụ trực quan...

Thầy Võ Văn Ngôi - giáo viên Trường Tiểu học Thành An cho hay, trước kia, ngôi trường ọp ẹp, việc dạy và học của thầy trò rất cực khổ. Khi trường lớp khang trang, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy học tốt hơn. Giáo viên đứng lớp phấn khởi, hăng say truyền đạt kiến thức, tích cực nghiên cứu ứng dụng phương pháp mới trong giảng dạy.

Những tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin, màn hình tương tác trở nên vô cùng sinh động, hấp dẫn, thú vị với học sinh. Em Trần Chí Thành - học sinh lớp 21, Trường Tiểu học Thành An cho biết, rất thích học với phương pháp mới. Qua màn hình tương tác của cô giáo, em biết nhiều điều. Trong màn hình tương tác có rất nhiều hình ảnh đầy màu sắc, giúp em biết ngay sự vật, hiện tượng cô dạy mà không cần phải tưởng tượng ra.

Nhờ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục của trường được chuyển biến tích cực. Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành An Mai Văn Sa cho biết: “Khi trường được xây dựng khang trang, học sinh, phụ huynh và giáo viên rất vui mừng, hân hoan, phấn khởi. Điều này đã tạo động lực cho thầy và trò nhà trường không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực của giáo viên, đáp ứng được yêu cầu học tập ngày càng cao của học sinh. Kết quả tổng kết năm học hàng năm chất lượng được nâng lên”.

Hầu hết các trường được xây dựng mới theo tiêu chí nông thôn mới đều hiện đại hóa. Cơ sở Trường THCS Nguyễn Văn Tư (xã Tân Thành Bình) cũng được xây dựng hiện đại, thoáng mát, sạch sẽ… Trường có 4 nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tư Phan Thanh Long cho biết: Trên nền cơ sở vật chất sẵn có, nhà trường xây dựng, trang bị thêm các phòng bộ môn, phòng chức năng, sửa chữa, bổ sung bàn ghế đúng chuẩn quy định. Hiện trường có trên 30 phòng học và chức năng. Các phòng chức năng phát huy tác dụng tạo điều kiện cho học sinh ham thích, tích cực, sôi nổi học tập. Giáo viên bộ môn quan tâm, tạo điều kiện cho các em thực hiện các tiết thực hành. Từ đó, kích thích hơn nữa tinh thần học tập, nghiên cứu của học sinh nhằm đạt mục tiêu giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh.

Nâng tầm chất lượng

Qua khảo sát một số trường trên địa bàn huyện, diện mạo trường lớp có nhiều thay đổi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Cán bộ, giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong quản lý học sinh có nền nếp, kỷ cương dạy và học để nâng cao chất lượng. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tư Phan Thanh Long cho biết: “Công tác quản lý của nhà trường luôn cụ thể, rõ ràng trong phân công giao việc. Học sinh có môi trường học tập tốt. Chất lượng giáo dục ngày một nâng cao. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%, học sinh khá giỏi các năm trên 70%. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với trường vùng nông thôn”.

Năm học 2019-2020, Trường THCS Nguyễn Văn Tư nhận cờ, với thứ hạng cao nhất khối THCS. Đầu năm 2022, trường đã đạt kiểm định chất lượng mức độ 2, đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 theo Thông tư số 13/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Hàng năm, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Văn Tư tổ chức các lớp tập huấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, nhằm đáp ứng trong nhu cầu đổi mới. Tổ chuyên môn thực hiện tốt công tác sinh hoạt tổ. Qua đó, giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên gặp khó để cùng nhau nắm bắt các kiến thức về bài giảng theo phương pháp dạy học mới.

Cùng với những đổi thay về bộ mặt trường lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng lớn mạnh. Tại Trường Tiểu học Thành An, từ buổi đầu thiếu về số lượng và trình độ đào tạo chưa đạt chuẩn, đến nay trường có 25 biên chế có khả năng tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả trong dạy học. Cô Nguyễn Thị Thủy - giáo viên lớp 21, Trường Tiểu học Thành An cho hay, với các trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy học, giáo viên có điều kiện đổi mới, học tập, nghiên cứu để ứng dụng có hiệu quả trong công tác giảng dạy. Từ tháng 2-2022, trường được dạy học trực tiếp sau thời gian dạy trực tuyến phòng dịch Covid-19, thông qua màn hình tương tác, hình ảnh trực quan sinh động giúp các em tập trung và có sự ham thích học tập. Nhờ đó, bản thân cô thuần thục các ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ có hiệu quả trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Tiếp tục hành trình làm mới vùng nông thôn, từ tỉnh đến các địa phương đang tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, có tập trung phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Kiểm tra đánh giá chất lượng các cấp học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sắp tới, ngành GD&ĐT và các địa phương tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, nhằm đảm bảo các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là chuyển đổi số.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN