Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp

07/09/2020 - 06:36

BDK - Hòa với niềm vui chung của học sinh cả nước, ngày 5-9-2020, học sinh trong tỉnh đã hân hoan trong ngày khai giảng năm học mới. Các em sẽ bước vào chương trình năm học 2020-2021 từ ngày 7-9-2020. Mỗi trường, thầy cô giáo và học sinh đều đặt ra mục tiêu phấn đấu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.

Học sinh Trường THCS Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) trong ngày khai giảng năm học mới.

Học sinh Trường THCS Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) trong ngày khai giảng năm học mới.

Sẵn sàng bước vào năm học

Với khí thế sẵn sàng bước vào năm học mới, em Lê Ngô Gia Linh - học sinh lớp 121 Trường Phổ thông Hermann Gmeiner xác định năm học cuối cấp 3 sẽ có nhiều áp lực hơn. Ngay đầu năm học, em đã lên kế hoạch cụ thể cho từng môn để không bị đuối sức khi vào chương trình năm học mới. Theo Gia Linh, mục tiêu tiên quyết là đậu tốt nghiệp và đạt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Ngoại Thương, mã ngành Tài chính - Ngân hàng.

Trong năm nay, Gia Linh sẽ tập trung việc trau dồi thêm vốn ngoại ngữ. Bên cạnh đó, em sẽ sắp xếp thời gian tham gia bồi dưỡng thi học sinh giỏi môn Ngữ văn. Trong quá trình ôn luyện, em sẽ tích lũy kiến thức để thi tốt nghiệp. Đối với môn Toán, Vật lý, em học và ôn kỹ các dạng bài tập cơ bản. Môn Sinh học chú tâm nghe giảng và đọc thêm sách mở rộng. Các môn xã hội thì mỗi ngày em sẽ học thuộc, ghi chú các ý chính của bài để không bị dồn nội dung khi kết thúc chương trình. “Em cố gắng dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, xã hội để trau dồi thêm vốn sống làm hành trang cho chặng đường dài phía trước”, Gia Linh tâm sự.

Kết thúc năm học 2019-2020, Huỳnh Hoàng Nam - học sinh lớp 71 Trường THCS Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) được xếp loại giỏi với điểm trung bình cả năm 9.0 điểm. Hoàng Nam lấy kết quả năm học cũ làm tiền đề xây dựng mục tiêu phấn đấu trong năm học mới. Em quyết tâm học tập tốt, đạt nhiều thành tích hơn trong học tập và các hoạt động đội. “Em sẽ tập trung chú ý nghe thầy cô giảng bài để ghi nhớ 50% kiến thức ngay khi trên lớp”, Hoàng Nam chia sẻ.

Năm học 2020-2021 bắt đầu thực hiện thay sách lớp 1 và chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông mới ở cấp THCS. Song hành với nhiệm vụ của năm học mới, các trường THCS sẽ tổ chức thực hiện tốt việc tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trường THCS Hưng Khánh Trung A đã đặt ra mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, thực hiện giáo dục toàn diện. Trong đó, nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn trong việc quản lý, phối hợp với giáo dục toàn diện cho học sinh. Từ đó, làm tiền đề cho việc thực hiện chương trình mới trong năm học tới.

Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Khánh Trung A Ca Thanh Nhàn cho biết, nhà trường sẽ coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức và ưu tiên rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, nhà trường sẽ tập trung giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; năng lực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; dạy học theo chủ đề; đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

Ngoài ra, trường phấn đấu huy động 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, các ngành, đoàn thể trong công tác nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nhà trường thực hiện dạy học Tiếng Anh mới ở khối 6 và 1 lớp 7; dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 6.

Thực hiện 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp

Theo Chỉ thị nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành GD&ĐT tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD&ĐT. Đặc biệt, ngành GD&ĐT hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; triển khai Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình…

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021. Các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT; đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

5 nhóm giải pháp cơ bản được Bộ GD&ĐT xác định: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT căn cứ nhiệm vụ, giải pháp tại chỉ thị và tình hình thực tiễn của địa phương, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp. Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm kế hoạch năm học.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN