Dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ

06/11/2015 - 07:03

Dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn tại ấp Quí Thuận B, xã Hòa Lợi.

Để nâng chất lượng xã văn hóa gắn với xây dựng xã nông thôn mới, việc đào tạo nghề ở nông thôn được xem là mục tiêu quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Xác định được điều này, trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú đã tổ chức thực hiện thành công điểm dân vận khéo đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ tại ấp Quí Thuận B.

Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Ấp Quí Thuận B là địa bàn nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đa số phụ nữ trong tuổi lao động đều thiếu việc làm, chỉ buôn bán và chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc làm thuê như làm cỏ, cấy lúa. Do đó, đời sống của số lao động này còn gặp rất nhiều khó khăn do thu nhập thấp, không ổn định. Nhưng khó khăn nhất vẫn là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Qua khảo sát, toàn ấp có 324 nữ trong tuổi lao động (có 245 lao động chưa có việc làm ổn định). Từ kết quả điều tra, Ban vận động đã tổ chức họp dân, tổ chức tuyên truyền vận động, phân tích cho chị em thấy được lợi ích từ mô hình “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm”, khi tham gia sẽ góp phần tăng thu nhập cho gia đình; từ đó có sự đồng tình cao của chị em.

Để thực hiện tốt mô hình này, Ban vận động nhận được sự hợp tác tích cực của chị Nguyễn Thị Lệ - Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp. Chị Lệ tổ chức cơ sở may công nghiệp gia công tại nhà, các trang thiết bị phục vụ cho cơ sở may được các thành viên đóng góp đầu tư, nguyên liệu may và tiêu thụ sản phẩm do chị Lệ tìm kiếm và ký hợp đồng lâu dài với một số cơ sở may tại TP. Hồ Chí Minh. Ban vận động đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn may công nghiệp miễn phí cho nhiều lao động nghèo.

Chị Nguyễn Thị Lệ chia sẻ: “Tôi đã từng là Chi hội trưởng phụ nữ ấp nên hiểu rất rõ hoàn cảnh của các chị em. Có chị dù bận con nhỏ nhưng phải đi làm cỏ vườn, cắt lúa mướn suốt ngày vẫn không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Có nhiều chị phải lên tận TP. Hồ Chí Minh làm thuê ở các cơ sở may, sản xuất hàng tiêu dùng, lương tháng ngoài trang trải tiền ăn, nhà trọ thì không dư bao nhiêu, nên đã trở về quê. Thấy nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trên nên tôi đầu tư một số vốn để mở cơ sở may góp phần tạo điều kiện làm việc tại chỗ cho chị em. Đến nay, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở tôi vẫn chưa lấy lại được, nhưng chủ yếu là cái tình nghĩa xóm làng tương trợ lẫn nhau”.

Qua hơn một năm hoạt động, cơ sở may của chị giải quyết 54 lao động nữ có việc làm ổn định với mức thu nhập hàng tháng 2,5 - 3 triệu đồng/người. Chị Nguyễn Thị Trúc cho biết: “Trước kia, tôi đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, làm rất cực nhưng tiền không được bao nhiêu, tôi trở về gần nhà để chăm sóc con, dự tính phụ chồng cắt cỏ nuôi bò. Được Chi hội Phụ nữ ấp hỗ trợ học nghề và tạo việc làm, mới đầu cũng hơi lo về công việc, nhưng vào làm một thời gian rồi cũng quen, bây giờ có thu nhập ổn định, đời sống gia đình được cải thiện hơn”.

 Ban vận động cho biết, hiện nay có nhiều chị em đang tham dự lớp dạy nghề, sau khi học xong sẽ vào làm việc tại cơ sở may trên. Xã đang đề nghị được hỗ trợ từ các nguồn vốn của trên để mở rộng cơ sở may của chị Lệ nhằm góp phần giải quyết lao động tại địa phương. Ban vận động cũng đã tìm việc làm cho 30 lao động khác tham gia vào mô hình đan ghế nhựa cũng do phụ nữ làm chủ. Hàng ngày, chị em vừa đan ghế tại nhà, vừa chăm lo công việc gia đình, mức thu nhập từ đan ghế khá ổn định.

Mô hình dân vận khéo đạt hiệu quả cao tại ấp Quí Thuận B được sự hỗ trợ của Đảng ủy, UBND, Hội LHPN xã đang tiếp tục nhân rộng mô hình sang ấp Quí Lợi để tiếp tục tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ tại đây. Hơn một năm qua, mô hình dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo tại địa bàn ấp, góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 12, số 13 của bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: T.Long

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN