Đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải

28/05/2014 - 08:04

Cử tri xã Hữu Định (Châu Thành) phản ánh việc quy hoạch xây dựng Nhà máy xử lý nước thải đã đền bù vào ngày 31-12-2012, nhưng gần một năm không thi công được do còn 6 hộ không đồng thuận. Vậy, hướng giải quyết như thế nào?

Ông Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời: Đính chính là Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre do Công ty Cổ phần xử lý rác thải Bến Tre làm chủ đầu tư, với công suất dự kiến là 200 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của TP. Bến Tre, huyện Châu Thành và các vùng lân cận. Dự án có tổng diện tích đất là 42.295,6m2, trong đó diện tích phải giải tỏa là 42.295,6m2, thuộc quyền sử dụng của 22 hộ dân tại xã Hữu Định, giáp ranh bãi rác Phú Hưng (TP. Bến Tre). Đến nay, UBND huyện Châu Thành đã tiến hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là 28.841,4m2 của 15 hộ và chủ đầu tư đang thực hiện san lấp mặt bằng; còn lại 7 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng (diện tích 13.454,2m2) với lý do yêu cầu nâng giá bồi thường đất đai. UBND huyện Châu Thành, TP. Bến Tre cùng với các sở, ngành tỉnh đã tiến hành tiếp xúc, đối thoại, vận động nhiều lần nhưng các hộ vẫn chưa chấp hành giao đất, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Ngày 7-3-2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 927 đồng ý chủ trương bổ sung phương án nền tái định cư đối với các hộ bị giải tỏa trắng vào phương án bồi thường và thống nhất bố trí nhà tạm cư để phục vụ phương án di dời các hộ bị cưỡng chế. Sở Xây dựng đã và đang tiến hành đôn đốc các sở, ngành liên quan, UBND huyện Châu Thành và chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện các bước tiếp theo để sớm đưa công trình đi vào sử dụng.

Cử tri xã Thạnh Trị (Bình Đại) đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch phân bổ vốn để thực hiện đầu tư tuyến đường Bắc - Nam, vì hiện nay tuyến đường này xuống cấp, địa phương có dặm vá nhưng không bảo đảm cho việc đi lại và giao thông.

- Dự án Đường Bắc - Nam nối liền 3 huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương lập dự án, đồng thời giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn lập xong dự án với tổng mức đầu tư là 999,944 tỷ đồng và dự kiến đầu tư từ nguồn vốn lánh nạn trú bão. Tuy nhiên, tỉnh chưa thỏa thuận được với Trung ương về nguồn vốn đầu tư cho Dự án này. Vì vậy, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương chậm phê duyệt Dự án. Hiện nay, do ngân sách tỉnh còn khó khăn nên không có khả năng để đầu tư nâng cấp hoặc sửa chữa lớn tuyến đường này. Nên, trước mắt để giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh xin ghi nhận và sẽ giao cho Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Đoạn quản lý đường bộ nghiên cứu, tiến hành sửa chữa, dặm vá những đoạn đường bị xuống cấp để đảm bảo cho việc đi lại. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc các nguồn vốn ODA khác để sớm triển khai Dự án.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN