Đẹp thay chim Việt cành Nam!

29/03/2010 - 08:12

Thật tình tôi không giấu được cảm xúc khi tiếp một người bạn Việt kiều tên Lưu Trí Diễn từ Thụy Sĩ ghé thăm. Tôi vốn có cái nhìn xa lạ đối với người bỏ quê hương, nhất là khi trở về với tư cách như một người khách giàu sang, tiêu tiền bố thí… Thật ra không thể “quơ đũa cả nắm” bởi có những hạt ngọc trong sáng tuyệt vời.

Tôi nhớ một điển tích Chim Việt cành Nam, chuyện kể rằng: Nàng Tây Thi có nuôi con chim anh vũ, tinh khôn, nói được tiếng người, hiểu được ý chủ, suốt ngày ca hát líu lo, biết làm duyên bằng những vũ điệu đẹp. Tây Thi rất yêu quý, xem chim anh vũ như một người bạn thân. Khi bị cống sang Ngô quốc, Tây Thi đã đem chim anh vũ theo để cùng chia sẻ nỗi buồn xa xứ. Với sắc nước hương trời, Tây Thi được Phù Sai yêu mến, chim anh vũ  cũng được hưởng nhiều đặc ân. Lồng chim được sơn son, thiếp vàng rộng rãi, thừa mứa tiện nghi. Vậy mà lạ thay, suốt tháng quanh năm chim anh vũ ủ rủ, không hót, không ca, cứ chọn cành cây hướng Nam mà đậu, mắt hướng về phương Tổ quốc xa xăm. Ngô Phù Sai phải ra lệnh thái y điều trị, nhưng làm sao trị hết nỗi lòng nhớ quê hương của loài linh điểu. Chim anh vũ đã chết, để lại cho Tây Thi một nỗi nhớ thương...

Sở dĩ tôi dùng điển tích này so sánh với một Việt kiều từ Thụy Sĩ về nước, vì trên ngực áo ông ta ngay chỗ trái tim đeo lấp lánh một huy hiệu: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của kiều bào. Đây là một trong 35 Việt kiều khắp thế giới được Nhà nước ta phong tặng. Tôi cố hỏi cho rõ do đâu ông lại đạt được thành tích này. Ông cười và nói: “Đây là công việc tự nhiên của tôi thôi, khi biết Đảng và Nhà nước phát động thì tôi cố gắng hơn… Nhưng không phải cố gắng để đạt thành tích trong đợt phát động đâu… Mà đợt phát động này là nguồn tiếp sức thêm để tôi ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Bởi học theo Bác là học theo hướng chân, thiện, mỹ của con người. Không học điều này thì học cái gì nữa hở anh? Mình là người Việt Nam mà!... Ai có ăn cơm nguội chấm kho quẹt, đi cầu khỉ, lội đồng bưng, uống nước dừa trên ngọn cây dừa, ăn khoai chạt, chạy rông thả diều trên những cánh đồng vừa cắt rạ còn thơm hương lúa… mới thấu hiểu nỗi buồn xa xứ, nhớ quê!. Những điều ông ta nói chỉ làm tôi xúc động mà không thuyết phục, vì tôi muốn biết những cái gì thuộc về hành động cụ thể. Ông hiểu ý tôi, đưa cho tôi  một tờ giấy có đóng dấu đỏ của đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Thụy Sĩ, tôi nhận ra rằng: Tại Thụy Sĩ, ông vừa là một trí thức yêu nước, vừa là một giám đốc xí nghiệp dược có tầm  cỡ, vừa là nòng cốt hướng dẫn kiều bào chống lại những luận điệu thù địch của các lực lượng phản động. Ông bảo vệ Tổ quốc bằng sự tự bảo vệ chính mình và những đồng bào trong khả năng có thể. Việc ông chấp nhận đi Paris lãnh phần thưởng huy hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là minh chứng cho tấm lòng trong sáng yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của mình. Ông thừa biết đây là hành động thách thức đối với những kẻ có âm mưu chống lại Tổ quốc.

Tại làng quê An Hiệp (Ba Tri) yêu dấu - nơi sinh ra và lớn lên, ông mở ra một trang trại nuôi bò, có vài trăm con lớn nhỏ. Ông tâm sự với tôi: Trại bò này thật sự không có lãi, vì hàng tháng tôi phải bù tiền triệu, nhưng cái lãi thu được thì vô giá, vì tạo được công ăn việc làm cho vài chục lao động, hầu hết quy tụ những con cháu trong gia tộc chí thú làm ăn, giúp bà con mình có cuộc sống tốt, đoàn kết trong dòng tộc, có của cải, hàng hóa phục vụ xã hội. Đối với làng quê, ông góp tiền hàng trăm triệu đồng bắc cầu, trải bê-tông hàng cây số đường từ Lộ Nhựa thẳng đến bờ sông Hàm Luông. Đối với mái trường tiểu học An Hiệp - nơi mà ông đã theo học từ nhỏ, ông đã hình thành quỹ học bổng  Lưu Trí Diễn, mỗi năm tặng hàng chục triệu đồng cho học sinh nghèo có thành tích xuất sắc trong học tập. Ngoài ra, ông đã từng tặng một thương binh ở thị trấn Ba Tri căn nhà tình nghĩa 20 triệu đồng. Ông tâm sự với tôi, mỗi năm ông sẽ tặng một căn nhà tình nghĩa và khoảng 10 triệu đồng xây dựng thư viện để phục vụ cho việc phát triển văn hóa và dân trí. Ông Lưu Trí Diễn còn nhờ tôi xem nơi nào cần nhà tình nghĩa, xây dựng thư viện để ông sẽ hỗ trợ. Ông Diễn cũng bày tỏ dự định hàng năm sẽ gởi thuốc điều trị bệnh thông thường cho dân nghèo. Trước lúc chia tay, tôi đã tặng ông Việt kiều Thụy Sĩ câu thơ: Thương người xa xứ mấy mươi năm/ Giữ được tình quê, giữ được tâm/ Chim Việt quay đầu về Tổ quốc/ Quyện thắm hồn quê sáng tựa rằm.

Hà Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN