Ngân hàng Chính sách xã hội:

Địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo trên con đường khởi nghiệp

23/08/2019 - 07:21

BDK - Thực hiện phương châm “Ở đâu có người nghèo, ở đó có tín dụng chính sách xã hội”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không còn là công việc của Ngân hàng CSXH mà trở thành công việc thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

Cán bộ Ngân hàng CSXH phổ biến các chương trình tín dụng CSXH đến các đối tượng thụ hưởng ở xã An Thới (Mỏ Cày Nam).

Cán bộ Ngân hàng CSXH phổ biến các chương trình tín dụng CSXH đến các đối tượng thụ hưởng ở xã An Thới (Mỏ Cày Nam).

Ban Chỉ đạo và các thành viên các chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã nắm đến hoàn cảnh kinh tế từng hộ nghèo để vừa hỗ trợ, tham vấn cách làm ăn, lập sinh kế vừa phối hợp với Ngân hàng CSXH bình xét cho vay, giải ngân vốn kịp thời, không để bất cứ người nghèo nào có sinh kế mà thiếu vốn sản xuất. Điểm nổi bật là cấp ủy, chính quyền còn chung tay với Ngân hàng CSXH lo nguồn vốn để cho vay, quan tâm tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có tiền nhàn rỗi gửi vào Ngân hàng CSXH, nhất là tham gia gửi tiền tại điểm giao dịch xã.

Trong thời gian gần đây, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có ý thức trách nhiệm hơn trong việc vay vốn và trả nợ ngân hàng. Những mô hình làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững có tính lan tỏa, thuyết phục cao trong cộng đồng người nghèo. Hộ ông Văn Lộc Cường, ngụ tại ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri, là hộ nghèo năm 2015, đã vay Ngân hàng CSXH 20 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, hộ ông duy trì đàn bò 3 con và phát triển đàn dê 10 con. Mỗi năm, gia đình ông bán bớt bò, dê sau khi trừ chi phí thu lãi 40 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi bò, dê này đã trở nên phổ biến không chỉ tại xã An Thủy mà ở các xã trong huyện Ba Tri.

Hộ bà Phạm Thị Tính, cư ngụ tại ấp Bình Đông A, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, là hộ mới nghèo năm 2018, đã vay Ngân hàng CSXH 100 triệu đồng để thu mua và chế biến dừa khô, mua máy làm chỉ xơ dừa, đã tạo việc làm cho 2 lao động chính trong nhà, đồng thời thu hút thêm 8 lao động nông nhàn, thu nhập hàng tháng trên 10 triệu đồng.

Hộ bà Phạm Thị Kiều Oanh, cư ngụ tại ấp Phú Hòa, xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, là hộ cận nghèo năm 2018, đã vay Ngân hàng CSXH 190 triệu đồng để cho 2 con đi lao động có thời hạn theo hợp đồng tại Nhật Bản, có thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. Và còn nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, có tính lan tỏa nhanh như hộ ông Đặng Xuân Nghiêm, xã Vĩnh Bình vay 90 triệu đồng cải tạo đất trồng sầu riêng, hộ Nguyễn Thái Bữu, xã Vĩnh Hòa vay 90 triệu đồng làm kiểng bonsai, mai vàng, kiểng lá… đều có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm…

Ngân hàng CSXH tích cực thực hiện các chủ trương, nghị quyết giảm nghèo của tỉnh, thực hiện cho vay 15.858 hộ/15.858 hộ tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, cho vay 394 người lao động/524 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp động theo Chỉ thị số 22-CT/TU và Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND… Kết quả giám sát cho thấy những hộ vay có khả năng thoát nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH ngoài việc tập trung nguồn vốn để cho vay hộ tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng còn mở rộng cho vay nhiều đối tượng mới như cho vay người khuyết tật, người cao tuổi, thanh niên xung phong miền Nam giai đoạn 1965 - 1975, phụ nữ và thanh niên khởi nghiệp… Ngân hàng CSXH mong muốn cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội vận động, bổ sung thêm nhiều nguồn vốn, không để người nghèo mất đi cơ hội khởi nghiệp hoặc vay bên ngoài với lãi suất cao vì lý do thiếu nguồn vốn tín dụng chính sách.

NHCSXH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN