Dồn sức cho mùa thi

12/04/2010 - 08:18
Học nhóm. Ảnh: H.THI

Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường THPT, các TTGDTX trong tỉnh đang dồn sức tăng tốc cho việc dạy - học. Công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT đã được các trường triển khai sâu rộng ngay từ đầu năm học theo tinh thần chỉ đạo của Bộ và Sở GD&ĐT.

Tăng tốc cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ngày 25-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2010 là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Địa lý và Lịch sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. Đối với thí sinh không học hết chương trình ngoại ngữ của THPT hiện hành hoặc học ở trường có khó khăn về điều kiện dạy - học ngoại ngữ thì được thi thay thế bằng môn Vật lý. Đối với hệ giáo dục thường xuyên, 6 môn thi tốt nghiệp gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Lịch sử và Địa lý. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức vào ngày 2, 3 và 4-6-2010.

Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường THPT, các TTGDTX trong tỉnh đang dồn sức tăng tốc cho việc dạy - học. Công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT đã được các trường triển khai sâu rộng ngay từ đầu năm học theo tinh thần chỉ đạo của Bộ và Sở GD&ĐT. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Bữu, nhằm chuẩn bị tốt cho HS về kiến thức, kỹ năng và tâm lý bước vào kỳ thi, trước tiên, các trường THPT, TTGDTX cần cố gắng hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch (lưu ý không được cắt xén chương trình); tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT; đảm bảo việc giảng dạy, học tập bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT theo Quyết định số 16 của Bộ GD&ĐT ban hành vào ngày 5-5-2006. Đặc biệt, Ban giám hiệu nhà trường có nhiệm vụ phân công các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT, tùy theo điều kiện thực tế của trường và khả năng của HS mà xây dựng kế hoạch, tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những kiến thức cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT - chủ yếu là chương trình lớp 12. Bên cạnh ôn tập theo chương trình, sách giáo khoa do Bộ quy định, các trường cần tổ chức ôn tập cho HS theo từng chủ đề, có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài giảng trong chương trình học; đồng thời ôn tập kiến thức tổng hợp cho các em - nhất là kiến thức ở lớp 12. Đối với giáo viên trực tiếp dạy các môn thi tốt nghiệp THPT, cần chuẩn bị tốt nội dung ôn tập, biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp, tích cực hướng dẫn, gợi ý HS trả lời.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, hiện nay, các trường THPT, TTGDTX đã vận dụng nhiều phương pháp ôn tập như: hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập, hoặc chia nhóm, tổ hoặc cả lớp cùng nhau ôn tập. Ngoài ra, các trường còn tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các nhóm học tập, hoặc toàn lớp, toàn trường; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi từ kết quả ôn tập của HS để có hướng điều chỉnh, hỗ trợ hợp lý. Đặc biệt, các trường chú ý vai trò của giáo viên chủ nhiệm, phân công giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT theo dõi kết quả học tập để sàng lọc, phân loại HS. Đối với những HS có học lực yếu, kém, giáo viên chủ nhiệm sẽ cùng với giáo viên bộ môn bồi dưỡng kiến thức cho các em; rèn luyện cho các em những kỹ năng cơ bản để đáp ứng yêu cầu cơ bản của kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Nhằm nâng cao tỷ lệ HS thi đậu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT,  ngoài tập trung thực hiện kế hoạch ôn tập, các trường còn tổ chức họp rút kinh nghiệm việc ôn tập cho HS trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian qua, đề ra nhiều phương pháp ôn thi phù hợp với khả năng của từng HS. Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Định Trung, Bình Đại) - Nguyễn Thành Sang cho biết: “Tổ chức các lớp ôn thi ngoài giờ theo quy định là một trong những biện pháp hữu hiệu để củng cố và nâng cao kiến thức cho HS. Việc làm này không chỉ để vận dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cho cả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN sắp tới. Cô Nguyễn Thị Chắn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Thanh Giản (thị trấn Ba Tri) cho biết, trường đang áp dụng phương pháp vừa dạy vừa ôn luyện. Nghĩa là, sau mỗi bài học theo chương trình, giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn, gợi ý các dạng đề thi và cách giải đáp ra sao, thậm chí đưa ra các dạng đề thi của những năm trước và giải đáp để HS tham khảo và luyện tập. Phương pháp này giúp HS vừa củng cố kiến thức từng bài học, vừa chủ động cách làm bài khi gặp các dạng đề tương tự.

Dồn sức cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN

Song song việc ôn tập cho HS bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường THPT tất bật tư vấn, hướng nghiệp cho HS chọn trường, ngành thi phù hợp. Bên cạnh, để giúp cho học sinh  tự tin vững bước vào kỳ thi tuyển sinh, ngoài các kỳ thi kiểm tra giữa học kỳ I và II, thi học kỳ I và II, các trường THPT còn tổ chức thi tốt nghiệp THPT thử. Kỳ thi này được tổ chức dưới hình thức tập trung, danh sách các lớp được trộn lẫn vào nhau, tên của HS xếp theo thứ tự a, b, c..., phương thức chấm thi cũng giống như thi tốt nghiệp thật: chấm theo phòng thi, không chấm theo lớp, nhằm đảm bảo tính khách quan. Kết quả kỳ thi sẽ được công bố trên bảng thông báo hoặc đưa lên website của trường và gửi về cho phụ huynh HS. Từ kỳ thi thử này, nhà trường sẽ nắm rõ số HS yếu, kém để có biện pháp hỗ trợ thêm. Ví dụ, ở Trường THPT Lê Quý Đôn, giáo viên chủ nhiệm đã sắp xếp lại chỗ ngồi của HS: HS khá, giỏi ngồi gần HS yếu, kém để kèm. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm còn tổ chức các buổi truy bài cho HS (3 lần/tuần) và mời phụ huynh cùng tham dự với hy vọng, có phụ huynh bên cạnh, HS sẽ ôn bài tốt hơn. Sắp tới, trường sẽ mở lớp ôn thi ĐH, CĐ cho HS trong thời gian 1 tháng. Ở Trường THPT Trần Văn Ơn (Châu Thành), Trường THPT Chuyên Bến Tre (thành phố Bến Tre), HS dự thi tuyển sinh cùng khối tự lập nhóm, tổ.... để ôn thi, truy bài cho nhau. Ngoài thực hiện dạy – học theo thời khóa biểu, hầu hết các trường THPT chủ động tăng tiết học, thường là vào cuối buổi hoặc ngày thứ bảy hàng tuần. Đối với các môn thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN thì tăng 1 tiết/tuần, riêng môn tiếng Anh, Toán, Ngữ văn tăng 2 tiết/tuần.

Có thể nói, để được bước vào trường ĐH, CĐ, mỗi HS phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, đang là bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng nhất của HS trong suốt 12 năm miệt mài đèn sách. Vì thế, không chỉ phía nhà trường nỗ lực mà mỗi HS phải biết phấn đấu, tích cực học tập, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mỗi em nhất thiết phải xây dựng cho mình lịch học tập phù hợp ở trường lẫn ở nhà; nên chăng các em chọn học thêm những môn thật sự cần thiết, lưu ý những môn liên quan đến ngành, nghề mình đã chọn để thi ĐH, CĐ. Bởi, việc ôn thi không chỉ để đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn phải đậu vào trường ĐH, CĐ, mở cho mình một con đường lập thân, lập nghiệp sau này.

Theo Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM), để các em thi tốt, bên cạnh việc trang bị kiến thức đầy đủ cho HS còn cần ổn định về mặt tâm lý và đảm bảo về sức khỏe cho các em. Ngoài việc quan tâm giờ giấc học tập, thường xuyên liên lạc với nhà trường để biết các chương trình học và ôn luyện, phụ huynh cần quan tâm đến chế độ ăn uống của con em mình. Vì thực tế trong các kỳ thi qua, đã có nhiều HS học quá sức, ăn uống không điều độ, có em bị kiệt sức, xỉu ngay trong phòng thi, làm ảnh hưởng cả quá trình học, thi. Song song đó, cũng cần khẳng định thêm: “Quan tâm, lo lắng ở đây không đồng nghĩa với việc tạo áp lực, làm đảo lộn lịch ôn tập của các em, ép các em phải làm theo mong muốn của mình. Tốt nhất là phụ huynh nên tạo điều kiện thoải mái, động viên tinh thần học tập, tôn trọng quyết định chọn trường, chọn ngành của các em”, cô Nguyễn Thị Thanh Thương, giáo viên Trường THPT Trần Văn Ơn nói.

Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo tổ chức thi nghiêm túc. Vì vậy, việc học tập, ôn luyện của HS cũng phải hết sức nghiêm túc. Mặc dù thi đỗ hay không là tùy thuộc vào năng lực của HS, nhưng nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường, gia đình thì HS sẽ gặp khó khăn. Từ nay cho đến hết tháng 5-2010, là thời gian mà thầy cô, phụ huynh và HS cùng dồn sức để việc dạy - học được thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN