|
Bà Nhung (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) cùng các con cháu. |
Hình ảnh bà cụ 90 tuổi đến UBND xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam) nhờ cán bộ xã đem 500 ngàn đồng- tiền tiết kiệm của mình đóng góp vào quỹ xây dựng đền thờ liệt sĩ, làm nhiều người xúc động.
Bà nói: “Nhìn thấy các chú ở địa phương luôn nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh là tôi vui lắm, tôi ủng hộ lắm”. Còn những người ở Ủy ban xã không bao giờ quên được khi nhắc đến một thành viên của gia đình có 3 thế hệ tham gia cách mạng của xã. Đó là gia đình của ông Bùi Văn Cương (SN 1919) nguyên là Huyện ủy viên huyện Mỏ Cày (nay Mỏ Cày Nam) đã hy sinh năm 1960 và bà Nguyễn Thị Nhung (sn 1920) ngụ ấp Tân Hậu II, xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam). Hai ông bà gặp nhau và nên duyên trong thời kỳ chiến tranh, ông tham gia hoạt động cách mạng xa nhà, bà ở nhà làm công việc nội trợ, nuôi con và làm ruộng, trồng rau, nuôi bộ đội. Nhớ lại thời khắc ác liệt ngày xưa, bà Nguyễn Thị Nhung đem bức ảnh của chồng ra xem và bùi ngùi kể: Chồng tôi đi làm cách mạng, mỗi lần về thăm nhà, ổng luôn động viên: “Cách mạng gần thành công rồi, bà cố gắng nuôi dạy con cái nên người, quyết cho con đi theo cách mạng”. Đến năm 1960, chồng tôi hy sinh, tôi xem lời nói của ông ấy là di chúc, là tâm nguyện cuối cùng của ổng, một lòng thủy chung, nuôi dạy con nên người. Tôi có 9 đứa con, một đứa hy sinh năm 1968, hiện tại còn 4 trai, 4 gái. Các con của tôi đều tiếp bước theo cha nó, tình nguyện đi bộ đội, tham gia đấu tranh; khi hòa bình thì các con tôi làm việc nhà nước, cháu nội, ngoại tôi hiện nay cũng có đứa tình nguyện đi bộ đội. Một mình nuôi 9 người con, vừa làm ruộng, cấy mướn, vừa nuôi nấng, che giấu bộ đội, thậm chí phải thay đổi tên họ và ban ngày phải đi nơi khác trốn tránh lính. Sức mạnh nào giúp bà vượt qua những khó khăn đó? – tôi hỏi. “Tôi muốn các con theo cách mạng, giết giặc trả thù cho cha và một điều nữa tôi nghĩ, nuôi cho con đi học để có kiến thức mới phục vụ cách mạng nhiều hơn, nên phấn đấu nuôi dạy con cái nên người và trở thành người có ích cho xã hội”, bà Nhung nói.
Tiếp lời bà, chị Bùi Thị Đính, con gái thứ tư bộc bạch: Thời kháng chiến lắm gian nan, vất vả, nhất là những gia đình có người thân hoạt động cách mạng, lúc cha tôi mất thì khó khăn càng nhân lên khi mẹ tôi một mình phải nuôi 9 người con đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Hàng ngày, mẹ và các anh tôi đi cấy mướn, làm thuê khắp nơi trong vùng để lo cho đám nhỏ. Ban ngày mẹ tôi phải qua vùng khác vì sợ bị lộ. Mẹ lo cho anh em tôi được học hành đàng hoàng. Rồi các anh đến tuổi ai cũng tình nguyện đi bộ đội. Mẹ tôi đã nhiều lần gạt nước mắt động viên các anh em tôi vững lòng, đi đấu tranh, giành độc lập cho quê hương đất nước để cả nhà được đoàn tụ.
Trái tim dành trọn cho cách mạng, tình yêu dành hết cho con, lòng son sắt thủy chung với người chồng, bà Nhung không phụ lòng người chồng quá cố, đã nuôi các con trưởng thành, một lòng theo cách mạng. Giờ đây những người con của gia đình này đã trưởng thành và có địa vị trong xã hội: Người con thứ hai tên là Bùi Khắc Hiếu (nguyên là Hiệu phó Trường ĐH Y dược TP.HCM) nay đã nghỉ hưu; thứ ba, Bùi Văn Đước (công nhân viên nhà máy dầu Tân Bình), nghỉ hưu; thứ tư, Bùi Thị Đính, thương binh loại 4, giáo viên cấp I, xã Tân Trung, nghỉ hưu; thứ năm, Bùi Văn Định, liệt sĩ, hy sinh năm 1968; thứ sáu, Bùi Thị Tường (nội trợ); thứ bảy, Bùi Trọng Tâm (Sở Tư pháp Bến Tre); thứ tám, Bùi Quang Tạo (Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre); thứ chín, Bùi Thị Nhi hoạt động Đoàn ở địa phương; thứ mười, Bùi Thị Đoan Trang, giáo viên cấp II Cẩm Sơn.
Khi được hỏi về gia đình bà Nhung, Chủ tịch MTTQ xã Tân Trung Nguyễn Văn Te cho biết: Bà Nguyễn Thị Nhung giống như một bà lão làng, rất có uy tín, và nhiệt tình tham gia đóng góp cho những công trình thiết thực ở địa phương. Hơn nữa, gia đình bà có ba thế hệ đều tham gia cách mạng, luôn có trách nhiệm với cộng đồng, gia đình nề nếp, con cháu hòa thuận, hiếu thảo - đây là một gia đình tiêu biểu của địa phương.