Giải pháp giữ vững vị trí đứng đầu chỉ số PAPI

03/05/2019 - 07:39

Đứng thứ 1/63 tỉnh, thành

Chỉ số PAPI năm 2018 vừa được công bố ngày 2-4-2019 bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung (bổ sung 2 chỉ số so với năm 2017 là quản trị môi trường và quản trị điện tử), 28 nội dung thành phần (năm 2017 là 22) và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể (năm 2017: 90), trên 500 câu hỏi về vấn đề chính sách của Việt Nam. Thang điểm tối đa là 80 điểm (10 điểm/1 nội dung). Phương pháp thực hiện là phỏng vấn trực tiếp theo phiếu câu hỏi, thời lượng từ 45 - 60 phút/1 cuộc phỏng vấn; đối tượng khảo sát: được chọn theo xác suất quy mô dân số (PPS) các đơn vị hành chính đến ấp, khu phố.

Theo kết quả được công bố, Chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh đạt 47.06/80 điểm, thuộc nhóm 16 tỉnh đạt điểm cao nhất (trong đó, có 2 tỉnh, thành ở phía Nam là Bến Tre và Cần Thơ); xếp ở vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 hạng so với năm 2017 (năm 2017: vị trí thứ 2/63).

Chỉ số PAPI năm 2018 có một số thay đổi so với năm 2017: tăng 2 lĩnh vực nội dung đó là “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”; thay đổi các tiêu chí của 2 lĩnh vực nội dung “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”; Thang điểm từ 60 điểm/6 nội dung nâng lên 80 điểm/8 nội dung.

Như vậy, năm 2018 có 2 chỉ số nội dung tăng điểm gồm: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và 4 chỉ số nội dung giảm điểm gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Cung ứng dịch vụ công.

Giải pháp giữ vững vị trí

Mặc dù được đánh giá đứng đầu cả nước về chỉ số này, song các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng cần qua tâm đến những chỉ số thành phần bị giảm điểm trong năm 2018 để có giải pháp cải thiện và nâng cao trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Các ngành, các cấp cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Tuyên truyền sâu rộng quyền công dân, đổi mới biện pháp huy động sự tham gia của người dân vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy hiệu quả thiết chế dân chủ - tự quản địa phương. Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn về các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Củng cố, tập huấn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trưởng ấp, khu phố, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

Gắn việc niêm yết công khai, minh bạch tại trụ sở cơ quan, đơn vị với việc tăng cường công khai, minh bạch qua các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; các cuộc họp tổ nhân dân tự quản; tiếp xúc cử tri; đối thoại giữa các cấp chính quyền với người dân… Tăng cường tuyên truyền các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo việc bình xét dân chủ, đúng quy trình và chặt chẽ.

Duy trì và phát huy hiệu quả các hình thức tương tác giữa chính quyền với người dân; áp dụng những cách thức mới trong tiếp nhận đề xuất từ người dân. Cán bộ, công chức phải chủ động, kịp thời nắm bắt, phúc đáp, phản hồi khi nhận được những yêu cầu, đề xuất của người dân. Triển khai tốt chủ trương “tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp/khu phố, xã nắm tới hộ gia đình”, để truyền tải chủ trương đến tận cơ sở và tiếp nhận sự phản hồi của cơ sở, của người dân về các vấn đề vướng mắc, bức xúc, để kịp thời phản ánh về các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tuyển dụng, nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; bố trí, sử dụng, phân loại, đánh giá theo vị trí việc làm, khung năng lực và kết quả hoàn thành nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc chuyển đổi vị trí công tác đối với một số chức danh công chức công tác trên một số lĩnh vực theo quy định. Kiểm tra, thanh tra công vụ, để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là kiểm tra đột xuất việc giải quyết thủ tục hành chính công, dịch vụ công, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Cập nhật, chuẩn hóa, công bố, công khai, minh bạch thủ tục hành chính (TTHC); rà soát, kiến nghị cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, không cần thiết, để giảm thời gian và chi phí, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, về giải quyết TTHC. Đánh giá, hoàn thiện cơ chế hoạt động và tăng cường năng lực các tổ chức dịch vụ công về đất đai.

Nâng cao chất lượng các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã để giảm áp lực cho y tế tuyến trên; đầu tư nâng cấp một số trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện, để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn. Đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân và đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước sạch; nâng cấp lưới điện, đảm bảo cung cấp ổn định cho người dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng cổng thông tin điện tử của tỉnh và cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC mức độ 3, 4.

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN