Giải pháp nào để khôi phục ngành thạch dừa Bến Tre?

13/09/2012 - 17:26
Sản xuất thạch dừa thô.

Bài 1: Những làng sản xuất thạch dừa thô trước đây và bây giờ…

Ở Bến Tre  có 2 hình thức sản xuất thạch dừa: thạch dừa thô và thạch dừa tinh (thạch dừa thành phẩm). Thạch dừa thô là nguyên liệu để làm nên thạch dừa thành phẩm.

Từ lâu, quy trình sản xuất từ thạch thô lên thạch dừa thành phẩm luôn được các doanh nghiệp quan tâm sản xuất khép kín nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Những cơ sở sản xuất thạch thô mang tính tự phát và nhỏ lẻ trong dân, chủ yếu là để xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do không yêu cầu về chất lượng nên việc sản xuất ngày càng phổ biến trong dân. Việc sản xuất cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, không theo một quy trình chuẩn nào. Điều này khiến chất lượng thạch dừa ngày càng đi xuống, gây ảnh hưởng chung đối với lòng tin của người tiêu dùng.

Nghề sản xuất thạch dừa thô bắt đầu rộ lên khi mặt hàng này có thể xuất khẩu sang Trung Quốc (theo đường tiểu ngạch) với sản lượng lớn mỗi năm và không yêu cầu một giấy tờ, thủ tục nào. Hơn nữa chất lượng hàng hóa không yêu cầu cao, chỉ cần sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Người không có tay nghề vẫn có thể tự do hoạt động thông qua kinh nghiệm. Phong trào sản xuất thạch dừa thô thật sự bắt đầu rộ lên khoảng 4 đến 5 năm gần đây. Làng thạch dừa xuất hiện ngày càng nhiều tại TP. Bến Tre, Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam.

Chúng tôi tìm đến một trong những làng thạch dừa của xã Mỹ Thạnh An - TP. Bến Tre. Theo lời kể của anh Phúc, chủ một cơ sở sản xuất thạch dừa thô ấp An Thuận A, anh Phương - người cùng ấp với anh Phúc, một trong những người đầu tiên đến với nghề làm thạch dừa thô của ấp, được biết, từ kết quả sản xuất của anh Phương, trong ấp bỗng có khoảng một chục hộ học tập kinh nghiệm và bắt đầu làm thạch dừa. Có người đã sang nhượng đất vườn để đầu tư cơ sở sản xuất. Chỉ sau một thời gian ngắn, làng thạch dừa tự hào vì hầu như ai cũng khấm khá lên. Tại thời điểm hưng thịnh nhất, bình quân nước của một trái dừa khô (dừa già) có giá 2 đến 3 ngàn đồng (tương đương với giá một trái dừa hiện nay) và 1kg thạch dừa thô được bán với giá từ 5 đến 6 ngàn đồng. Giá nước dừa tươi vào thời điểm đó cũng nhích lên liên tục.

Thế nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, cùng với giá dừa xuất khẩu giảm, giá thạch dừa thô cũng giảm sụt mạnh, hiện chỉ còn từ 1.100 đến 1.200 đồng/kg, kéo theo giá nước dừa mỗi trái cũng chỉ khoảng 200 - 300 đồng. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ nước ngoài hạn chế. Trong khi sản phẩm của ta chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế thủ công, là sản phẩm thô và không đạt các tiêu chuẩn về chất lượng nên khó có thể xâm nhập sang các thị trường khó tính. Đặc biệt là mấy tháng gần đây, làng thạch dừa gần như chết đứng, khoảng 90% hộ làm thạch dừa thô của ấp An Thuận A không thể cầm cự được nữa. Một số hộ đã phải bán luôn cả công cụ làm thạch để trả nợ. Riêng hộ anh P. hiện chỉ còn gắng gượng sản xuất vài tấn thạch thô mỗi tuần nhằm để giữ mối và nuôi công nhân. Điều trớ trêu là phía mua hàng đã trả tiền cho các cơ sở theo kiểu gối đầu. Có nhiều chủ hàng đã giao hàng đến lần thứ 10 mới được thanh toán số nợ của chuyến hàng đầu tiên. Vì thế, không ít người sản xuất đã lâm vào thế “chủ nợ” nhưng khó đòi mà còn bị lệ thuộc hoàn toàn vào bên con nợ. Vì vậy, một số cơ sở sản xuất cầm cự cũng vì lý do đó.

Với tình hình này, đa số hộ làm thạch dừa thô còn lại cũng chỉ cầm cự thêm một thời gian ngắn nữa. Không chỉ có làng thạch dừa An Thuận A, mà hầu hết các làng thạch dừa tự phát trong tỉnh cũng đìu hiu, vắng vẻ.

Nhiều cơ sở làm thạch dừa đã bỏ không. Người sản xuất cũng là các chủ nợ của những khách hàng chịu phép “khoanh tay” đứng nhìn nguy cơ tiền triệu của mình mất khả năng thu hồi.

Bài 2: Thua ngay trên “sân nhà” - Vì sao?

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN