Hè của những trẻ nghèo vùng quê

23/06/2010 - 08:45
Em Nguyễn Thị Thanh Trí giúp đỡ việc nhà cho cha mẹ.

Hạnh phúc mùa hè của các em chỉ có vậy, không phải là một chuyến du lịch lý thú, không phải là thời gian để học một môn thể thao hay kỹ năng nào đó... mà các em tranh thủ dành dụm để có những khoản tích lũy nhằm giúp ba mẹ đỡ lo khoản học phí, sách vở…

Ba tháng hè là khoảng thời gian khá dài để các em học sinh có thể vui chơi sau một năm học đầy căng thẳng. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng may mắn được vui chơi thỏa thích vào dịp hè. Tại các vùng quê, hè là thời gian mà nhiều em phải nỗ lực mưu sinh để có tiền trang trải cho năm học mới.

Nghỉ hè, lại… tiếp tục mưu sinh

Dễ nhận thấy, cứ vào hè, những bóng dáng nhỏ nhắn lại rảo chân khắp các ngả đường mời khách mua vé số hay làm thuê với những công việc phù hợp sức mình. Một mùa hè mưu sinh sẽ giúp các em đỡ đần gia đình các khoản học phí và tiền sách vở chuẩn bị cho năm học mới.

“Sáu giờ sáng, em bắt đầu đi bán vé số. Ngày nào cũng vậy, cứ đi vào lúc mọi người đang điểm tâm hay uống cà phê sáng ở các quán là bán được nhất, thế nào cũng có người mua...” – Em Đặng Phương Bắc (13 tuổi, ngụ tại ấp Tân Hưng, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc) chia sẻ. Đây cũng chính là điệp khúc “chào ngày mới” của em  từ khi được nghỉ hè đến nay, ngày nào em cũng cùng mẹ đi qua các xã lân cận như Chợ Cái Mơn, Thị trấn Chợ Lách… để bán vé số.

 

Em Đặng Phương Bắc mời vé số ở các quán cà phê tại chợ Cái Mơn, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách).

Một ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng đến hơn 5-6 giờ tối, Bắc kiếm được 50-60 nghìn đồng. Mỗi ngày chi phí tiền ăn khoảng 15.000 đồng, còn bao nhiêu em gửi mẹ để dành dụm mua dụng cụ học tập. Bắc kể: “Em hên lắm, ngày nào cũng hoàn thành “chỉ tiêu”. Ở đây, có một số bạn bán vé số, nhiều bữa đi cả ngày trời mà cũng chỉ đủ tiền ăn ba bữa. Ước gì cả mùa, ngày nào em cũng đủ “chỉ tiêu” như mấy ngày đầu tiên đi bán, vào năm học mới đủ tiền đi học…”.

Sau khi trả tiền vé số mà chúng tôi mua giúp, em thoăn thoắt đôi chân đến các quán cà phê tiếp tục mời từng người khách mua vé số, mặc cho cái nắng trưa hè gay gắt. Tuy Bắc đã đi khuất sau con hẻm nhưng em đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Khác hẳn với những người bán vé số khác, em không nằn nì, chèo kéo khách, mà chỉ mời qua một lượt. Khách nào mua hộ em tờ vé số đều được nhận lại hai tiếng “cảm ơn” với nụ cười ánh nét mừng vui.

Cứ… đến hẹn lại lên

Ở các huyện ngoại thành, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, nhiều em cứ đến hè là lao vào làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình và mua sách vở cho năm học mới. Em Nguyễn Thị Thanh Trí (học sinh lớp 10, Trường THPT Sương Nguyệt Anh, huyện Ba Tri) cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Năm nào cũng vậy, tranh thủ thời gian rảnh lúc nghỉ hè, em kiếm việc làm thêm như: bóc vỏ hạt điều, phụ dì bán hàng ngoài chợ… để kiếm tiền mua sách vở, quần áo.

Theo chân chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Lễ, vượt qua những con đường đất nhỏ, trơn trợt và (đủ vừa cho một chiếc xe mô-tô chạy) chúng tôi đến nhà em Thanh Trí ngụ tại ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ. Trước mắt chúng tôi là căn nhà mái lá, vách tre, nơi che mưa, che nắng cho gia đình em Thanh Trí. Trong căn nhà lá đơn sơ ấy, điều làm chúng tôi chú ý nhất đó là những tờ giấy khen với thành tích học tập khá giỏi được dán trên bức vách bằng lá đã loang những lỗ thủng.

Đợi đến trưa, tôi mới gặp được Thanh Trí. Gió bụi và cái nắng trưa hè của phiên chợ vừa tan không che đi được gương mặt và đôi mắt sáng thông minh của cô học trò mười năm liền đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Vừa dừng xe và đặt bao trấu xuống, em nói: “Tranh thủ trên đường phụ bán hàng ở chợ, em ghé qua chở bao trấu về. Làm thế này tuy vất vả nhưng vui vì em phụ giúp cho ba mẹ được nhiều việc”.

Ngoài việc phụ với người bà con bán hàng ngoài chợ, Thanh Trí còn lãnh hạt điều về tách vỏ. Mỗi ngày em tách được 2 đến 3 kg hạt điều, kiếm khoảng 10.000 đồng. Em cho biết, mục tiêu đặt ra năm nay là em cố gắng kiếm được từ 600 đến 700 ngàn đồng, với số tiền này thì đủ để mua sách vở, quần áo…

Dù hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng Thanh Trí luôn nỗ lực học tập. Theo em, nhà nghèo, cha mẹ cố gắng lo cho mình được đến trường là quý lắm rồi. Chính vì thế nên em quyết tâm học thật tốt để cha mẹ được vui lòng, mai sau có công việc ổn định phụng dưỡng cha mẹ. Không có điều kiện đi học thêm như nhiều bạn, em chỉ học những kiến thức trong sách giáo khoa, ngoài ra em còn thường xuyên trao đổi và tham khảo những bài tập khó với bạn bè.

Hỏi Trí có dự tính gì cho tương lai không? Em trả lời: “Em mong sao mình có thể được tiếp tục cắp sách đến trường, thi lấy một bằng cấp, kiếm việc làm”. Ước ao có đủ tiền để không phải nghỉ học, Thanh Trí đã lặng lẽ làm những việc lặt vặt như bóc vỏ hạt điều, hái rau, chài cá hay bắt ốc… trong suốt mùa hè với ước mong đủ tiền mua sách vở trong năm học mới. Cuộc sống thực tế với vòng xoay cơm áo gạo tiền đã lấy đi những ước mơ bay bổng tuổi thơ của Trí, không dám mơ một ngày thành danh dù 10 năm qua Trí đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Thay vào đó là nỗi lo được gọi thành tên, bởi nếu không có tiền, ước mơ chạm chân vào giảng đường đại học của Trí sẽ chẳng bao giờ đến.

Chia tay Thanh Trí ra về, chúng tôi vẫn tin vào những gì em đã và đang vạch ra cho tương lai của mình. Hạnh phúc luôn mỉm cười với những ai biết cố gắng và sống hết mình vì nó.

 

Bài, ảnh: Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN