Hiệu quả của phân Compost

17/02/2013 - 09:46

Trong khi bài toán xử lý rác thải ở nông thôn vẫn là vấn đề trăn trở, đòi hỏi biện pháp xử lý ở nhiều địa phương, thì tại xã Hữu Định (Châu Thành), mô hình xử lý phân compost tại nhà (do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện triển khai thực hiện, từ  tháng 5-2011) đang phát huy hiệu quả. Đến nay, mô hình đã mang lại diện mạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho nông thôn.

Quá trình ủ phân compost là một quá trình sinh học trong xử lý chất thải hữu cơ. Mô hình hướng đến các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, xã Hữu Định được xem là một điểm sáng trong việc áp dụng thành công mô hình xử lý phân compost.

Nếu như trước đây, để giữ gìn vệ sinh môi trường, các hộ dân nông thôn huyện Châu Thành thường xử lý rác thải bằng cách đào hố chôn, đốt hoặc đổ rác ra môi trường bên ngoài… Những cách làm này đã gây ô nhiễm môi trường, đọng mùi hôi thối, mất cảnh quan nông thôn và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.Thay vào đó, mô hình xử lý phân compost đã và đang tạo được niềm phấn khởi cho bà con nông thôn.

Theo nhiều nông hộ tại xã Hữu Định, phân compost không gây ra mùi hôi, không ô nhiễm, được làm từ các loại rác hữu cơ. Phân compost thích hợp cho việc bón cây ăn trái và rau màu. Trong thành phần phân compost không chứa hóa chất gây hại mà còn chứa nhiều chất hữu cơ tự nhiên bổ sung cho đất. Bên cạnh đó, khác với các loại phân thường, phân compost được bón bằng cách xới đất lên để bón. Khi bón phân compost, ta phải trộn đều phân với đất, nhờ vậy đã tạo nên độ tơi xốp cho đất.

 

Người dân xử lý rác thải bằng thùng rác compost.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, để làm phân compost, thì trước tiên, các hộ được hỗ trợ dụng cụ chứa rác. Thùng rác này có nhiều lỗ nhỏ để thoát không khí, có 1 cửa ở phía dưới để lấy phân thành phẩm ra ngoài. Theo đó, hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại: Lá cây, cỏ khô, cơm cá cặn và rau quả hư hỏng… sẽ được cho vào thùng, đậy kín nắp. Sau khoảng 60 ngày, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy, biến thành phân hữu cơ, hay còn gọi là phân compost.

Toàn xã Hữu Định hiện có 20 hộ áp dụng mô hình ủ phân compost, chủ yếu là các hộ sử dụng  phân compost để bón cho cây trồng… Hộ ông Bùi Văn Huê là một trong những hộ áp dụng thành công mô hình này. Qua thực tế, ông Huê nhận thấy, dùng loại phân này để bón rau màu các loại rất hiệu quả, ít sâu bệnh tấn công gây hại; bón cho cây ăn trái thì thấy cây phát triển nhanh, trái to và bóng. Phân compost có tác dụng làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu và màu mỡ, vì vậy nó mang lại hiệu quả kinh tế và giảm chi phí sản xuất. Trước đây, khi sử dụng thùng rác, tôi đã rút phân ra sử dụng lần đầu bón cho hoa màu, chủ yếu là khổ qua. So với phân hóa học, thì sử dụng phân compost khổ qua cho trái to hơn, giảm chi phí được khoảng 200 - 300 ngàn đồng/công.” - ông Huê phấn khởi nói.

Với mục tiêu tận dụng và tái chế rác thải thành những sản phẩm có ích, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỗ trợ kinh phí khoảng 10 triệu đồng trang bị 20 thùng rác, thực hiện thí điểm tại xã Hữu Định.   

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Mai - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hữu Định: “Chương trình này đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người dân sử dụng phân bón trong trồng trọt. Đồng thời, qua đó, ý thức của chị em phụ nữ về bảo vệ môi trường được nâng lên. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động chị em thông qua các cuộc họp tổ phụ nữ, tổ mô hình 5 không 3 sạch, tổ vay vốn… góp phần thực hiện mô hình đạt hiệu quả hơn.”

Việc sản xuất rác và sử dụng phân từ rác đã góp phần hoàn thành tiêu chí thứ 17 về môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Hữu Định. Nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, năm 2013, Hội sẽ nhân rộng mô hình cho tất cả hội viên cùng thực hiện; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại xã Quới Sơn. Các xã còn lại, thì Hội tuyên truyền vận đõng chị em thực hiện” - bà Lê Thị Ánh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết.

Bài, ảnh: TRÚC LAN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN