Học thêm - được và mất

14/06/2010 - 07:59
Trao đổi ngoài giờ học. Ảnh: T.Long

Có rất nhiều con đường đi tìm tri thức. Đối với một số học sinh (HS) lẫn phụ huynh, học thêm là một trong những cách để tích lũy kiến thức. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều lớp học thêm đã được mở ra, nhất là trong dịp hè.

Hiện nay, HS lớp 9 đang tập trung sức lực để vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Phần lớn các em đều đăng ký học thêm, ít nhất là một môn, nhiều nhất là… học tất cả các môn dự thi. Các lớp học thêm ngày trở nên đông đúc, một lớp có khoảng từ 30 - 40 HS ngồi san sát nhau trong 5 - 6 cái bàn, trong một diện tích khiêm tốn 10-15m2. Trời lạnh, những lớp học này có vẻ ấm cúng, còn mùa hè nóng nực… thì quả là một cực hình.

Trong số HS học thêm, ngoài sự tự giác đi học thêm để tự tin “hạ gục đối thủ” của các em, vẫn còn lý do khác nữa là do sự ép buộc của phụ huynh. Có không ít bạn bị cha mẹ thúc giục đi học thêm tất cả các môn. Tôi thật sự chia sẻ khi K.H (lớp 9, Trường THCS Phú Hưng) đang học thêm ở lớp Toán lại cứ nơm nớp lo trễ học lớp Văn. So với ca sĩ, K. H “chạy sô” không thua kém. Mới bước vào hè mà lịch học thêm của bạn ấy đã kín mít từ sáng đến tối. Nào là sáng thứ hai, tư, sáu học môn Văn, Toán, chiều học môn Vật lý; sáng thứ ba, năm, bảy học môn Ngoại ngữ, Tin học, chiều học mấy môn phụ. Chỉ duy nhất ngày chủ nhật là không phải đến lớp, nhưng K. H cũng đâu được thảnh thơi vì bận giải một đống bài tập. K. H kể: "Sợ quá! Đôi khi em nghĩ đi học còn sướng hơn nghỉ hè. Cứ tưởng nghỉ hè là “thả phanh” chơi, ai ngờ... ".

Vì quá mệt mỏi nên hình ảnh HS vừa học, vừa ngủ trong các lớp học thêm không còn xa lạ. Một HS cố giãi bày: “Học mệt quá, nếu nghỉ ở nhà sẽ bị mẹ rầy, nên ráng vô lớp ngủ gật thôi!”. Mặc dù thực tế là vậy nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu và chia sẻ nỗi mệt nhọc vì phải học thêm quá nhiều môn học để có thể thi đỗ vào trường mà cha mẹ mong mỏi. Trái lại, có phụ huynh còn hãnh diện khoe với đồng nghiệp: “Con tôi đang học thêm để thi vào Trường THPT Chuyên Bến Tre đấy!”.

Với lượng bài vở ngày càng nhiều, T.T (Trường THCS Nhơn Thạnh) ngày một đuối sức. Trong lớp, T. T luôn trong trạng thái căng thẳng, không tiếp thu được bài giảng. T. T tâm sự: “Em biết học lực của em. Em nghĩ mình chỉ thi đậu vào Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu mà thôi, còn Trường THPT Chuyên Bến Tre thì là quá sức. Nhưng em sợ mẹ buồn nên cố gắng hết sức mình”. Nhìn T. T chẳng khác một học sinh lớp 6 với khuôn mặt gầy gò, đeo cặp kính dày cộm, thân hình còm nhom… cũng đủ thấy em đang chịu áp lực to lớn về chuyện học hành từ phía gia đình.

Có thể nói, việc phụ huynh đặt kỳ vọng quá lớn vào con vô tình làm cho không ít HS bị áp lực nặng nề, đuối sức, dẫn đến kết quả học tập không như ý muốn. Chính vì vậy mới có chuyện oái oăm là: “Thằng M - con nhà chị L (Phú Hưng) có học thêm ở đâu mà nó vẫn đậu, còn con mình cho học thêm bao nhiêu là môn mà vẫn trượt”, chị N.T.C (phường 3, thành phố Bến Tre) tỏ ra thất vọng.

Không riêng gì chị C, nhiều phụ huynh vẫn còn một mực cho rằng học thêm thì sẽ học được nhiều thứ và thi đậu vào các trường danh giá...  Điều này đúng khi học thêm được hiểu đúng ý nghĩa và có phương pháp học khoa học. Nếu học theo phong trào, đổ xô nhau mà học, học mà không biết lượng sức, khả năng của mình, học không biết cách học thì... việc học thêm - cái nhận được sẽ ít hơn cái mất. Hiện nay, trung bình, mỗi môn học thêm đóng thấp nhất 100.000đ/tháng. Đối với HS có ý thức, luôn đi học đều đặn thì công sức, tiền của bỏ ra không hề uổng phí, dù trong lớp các em tiếp thu kiến thức nhiều hay ít. Nhưng một HS vì quá mệt nhọc “bất đắc dĩ” trốn học xả stress hay vì ham chơi, nhân ngày đi học thêm để vui chơi thỏa thích. Thực tế, đã có nhiều HS bỏ học chơi game hàng giờ hoặc rong chơi ngoài phố với bạn bè.

Học thêm đúng cách sẽ hữu ích, giúp HS trau dồi kiến thức. Thiết nghĩ, nên chăng HS, phụ huynh cần suy nghĩ đúng về vấn đề này. Mùa hè đang đến với tất cả HS, đừng để nó trôi qua một cách hối hả trong các lớp học thêm...

Th. Trí – T. Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN