BDK.VN - Hội Nông dân xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam vừa phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật khu vực Cù Lao Minh tập huấn cho hơn 50 người là cán bộ các chi, tổ hội và hội viên nông dân xã.
Đại biểu tham dự tập huấn được cán bộ tỉnh, huyện hướng dẫn về hình thái, cách nhận biết, triệu chứng gây hại của sâu đầu đen.
Theo đó, nhận biết về hình thái của sâu đầu đen có 4 giai đoạn gồm: trứng, ấu trùng, nhộng và sâu trưởng thành. Về triệu chứng gây hại:Sâu cạp biểu bì mặt dướilá chét, sâu non tấn công cả vỏ trái và trên dừa, dẫn đến tàu dừa bị cháy khô từ những lá dừa bên dưới rồi dần lên các lá bên trên và cho đến các tàu non trên ngọn. Khi phát hiện dấu hiệu sâu đầu đen gây hại, nông dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.
Về biện pháp canh tác đối với dừa bị sâu đầu đen: cần cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét bị sâu gây hại trên cây dừa và các cây ký chủ (cau, dừa nước, chuối…); đem tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm giảm mật độ số sâu hại. Đây được xem là biện pháp quan trọng, hiệu quả, an toàn đối với môi trường và cần phải thực hiện ngay khi phát hiện sâu đầu đen gây hại từ những lá già bên dưới.
Song song đó, nông dân cần bón phân cân đối đầy đủ NPK nhằm giúp cây mau khỏe, nhanh phục hồi sau khi bị gây hại. Tuyệt đối không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế lây lan.
Đối với vườn dừa bị nhiễm nặng: phun 25 lít nước thuốc cho 3 - 5 cây dừa, phun ướt đẫm dưới lá. Sau 7 - 10 ngày kiểm tra mật độ sâu phun lần 2 và theo dõi tiếp tục để kịp thời phòng trị. Đối với vườn dừa nhiễm nhẹ chỉ gây hại vài tàu, vài lá chét trên tàu hoặc vài cây trên vườn, chỉ cần tập trung phun thuốc tại các tàu bị nhiễn; sau 2 đến 3 tuần, kiểm tra vườn nếu phát hiện có sâu thì phun lại lần 2. Không nên phun ngừa khi chưa phát hiện triệu chứng.
Dịp này, nông dân xã Thành Thới A đã được cán bộ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn một số quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và một số biện pháp sơ cấp cứu thường gặp trong lao động sản xuất.