BDK - Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ và xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, tỉnh đang dần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương theo hướng TMĐT và kết nối với thị trường quốc tế.
Người dùng truy cập trang thương mại điện tử “Đặc sản Bến Tre” (dacsanbentre.vn). Ảnh: Thanh Đồng
Mở rộng thị trường
Vài năm gần đây, TMĐT của tỉnh có sự phát triển khá nhanh. Bên cạnh thương mại truyền thống khá sôi động, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng. Người dân đã hình thành thói quen trong việc ứng dụng công nghệ số để mua hàng trực tuyến. Mua sắm online, đặc biệt, mua hàng qua các sàn TMĐT đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Người bán cũng đa dạng và đông đảo hơn từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) đến cơ sở sản xuất, hợp tác xã và hộ kinh doanh từ thành thị đến nông thôn.
Theo kết quả từ hệ thống quản lý hoạt động TMĐTcủa Bộ Công Thương (http://online.gov.vn) đến nay, tỉnh có 160 đơn vị có website thông báo bán hàng, 1 website cung cấp dịch vụ TMĐT. Nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng các kênh mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Zalo, TikTok… để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Chỉ số TMĐT của tỉnh luôn đứng tốp đầu (chỉ sau Cần Thơ và Long An) trong các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, tỉnh đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực TMĐT, nhờ vào sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh cũng như nhận thức ngày càng cao của các DN và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, so với cả nước thì xếp hạng về chỉ số TMĐT của tỉnh vị trí thứ 33/58 tỉnh, thành được khảo sát. Nguyên nhân được cho là do nhiều DN chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng TMĐT theo chiều sâu, chưa bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới. Sự sẵn sàng của các TMĐT thuộc các thành phần kinh tế vào hoạt động TMĐT chưa cao…
Thời gian qua, Sở Công Thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tham gia vào công cuộc CĐS nói chung và phát triển các hoạt động TMĐT nói riêng. Trong đó, đã hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp về CĐS làm nền tảng phục vụ tốt cho TMĐT như hỗ trợ chữ ký số, xây dựng website TMĐT, hóa đơn điện tử, ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh, công cụ marketing trực tuyến. Phối hợp với các cơ quan và DN triển khai mô hình Chợ 4.0. Song song đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ DN tham gia các sàn giao dịch điện tử: Lazada, Sendo, Tiki, Alibaba, Amazon...
Hỗ trợ các DN quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh thông qua việc giới thiệu, thông tin DN, sản phẩm trên các công cụ trực tuyến như: YouTube, Google, tạp chí điện tử... Xây dựng sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre” (dacsanbentre.vn), bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo kỹ năng về xúc tiến thương mại trên môi trường mạng, ứng dụng các nền tảng TMĐT, nền tảng mạng xã hội, TMĐT xuyên biên giới bán hàng đa kênh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trang bị kiến thức pháp luật TMĐT cho cơ quan quản lý nhà nước và các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã hướng các hoạt động tập huấn TMĐT dành cho các đối tượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên, DN khởi nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết về TMĐT. Đây cũng là một phần trong nỗ lực thực hiện thành công chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” của tỉnh.
Định hướng trong thời gian tới
Qua các hoạt động hỗ trợ DN phát triển các hoạt động TMĐT cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tỉnh đã từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển TMĐT hoàn thiện, minh bạch. Nhiều tổ chức, cá nhân triển khai, ứng dụng việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng và thu được những kết quả rất khả quan. Những hoạt động này đã giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Đồng thời, góp phần phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Định hướng phát triển TMĐT trong thời gian tới, Sở Công Thương cho biết, sẽ tập trung vào các yếu tố mang tính nền tảng như đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả của TMĐT cũng như các quy định pháp luật về TMĐT đến cộng đồng DN và người dân trên địa bàn tỉnh.
Tập huấn kiến thức kỹ năng cơ bản về các quy định của pháp luật liên quan đến TMĐT, việc tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) mang lại. Hoàn thiện sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre”. Hỗ trợ các DN tham gia giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn TMĐT trong, ngoài nước và trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực TMĐT, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng.
Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ xây dựng các giải pháp và chính sách nhằm phát triển hệ sinh thái TMĐT, gồm: việc thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ 4.0 và hợp tác với các nền tảng TMĐT lớn để giúp DN trong tỉnh dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường…