Phát triển sản phẩm OCOP

29/07/2024 - 05:35

BDK.VN - Hiện huyện Mỏ Cày Nam có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, với 26 chủ thể; trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 43 sản phẩm đạt 3 sao. Người dân huyện Mỏ Cày Nam với tình yêu dành cho đặc sản quê hương đã phát triển nhiều sản phẩm từ tài nguyên bản địa, góp phần đem lại thu nhập cho người dân địa phương.

Chị Thùy Dương và sản phẩm dưa muối Tân Hương đạt OCOP 3 sao của xã Minh Đức. 

Nguyên liệu bản địa

Trong một lần chuyện trò với các bà, các cô tại xã Minh Đức về món dưa muối, món ăn truyền thống tại xã, các bà, các cô kể chi tiết các bước làm món dưa muối. Bà Nguyễn Thị Hảo, 86 tuổi, ngụ xã Minh Đức kể: “Món dưa muối rất dễ ăn. Ăn chay hay ăn mặn đều được. Vì dưa gang và dưa leo chỉ cần nhận vào nước muối rồi đem phơi, cỡ 1 tháng là ăn được”.

Từ thuở bé, gia đình chị Huỳnh Thị Thùy Dương, ngụ xã Minh Đức đã quen thuộc với món dưa muối quê nhà. Chị Dương kể: “Dưa muối là món ăn truyền thống tại địa phương xã Minh Đức. Trong bữa cơm gia đình hàng ngày ở quê, tôi thường có đĩa dưa muối trộn tỏi ớt. Có lẽ do vị mặn của dưa muối, vị chua ngọt lên men tự nhiên làm ngon miệng hơn trong khi dùng bữa. Từ món ăn truyền thống được ưa chuộng và thấy được nguồn nguyên liệu dồi dào là dưa gang và dưa leo vùng đất xã, tôi đã nghĩ ngay đến việc phát triển món dưa muối Tân Hương”.

 Chị Thùy Dương đã lựa chọn những trái dưa gang, dưa leo có độ non vừa, ủ với nước cơm vo, đường, muối. Sau khi ủ xong, lấy dưa ra rửa sạch, xắt lát vừa miếng ăn. Sau đó, đem trộn với đường, tỏi, ớt, hạt nêm, tạo nên những miếng dưa giòn ngon đậm đà, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh làm tăng thêm độ giòn và bảo quản dưa muối được lâu hơn. Sản phẩm dưa muối Tân Hương được chị Thùy Dương đóng hộp, dán nhãn để gửi đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Mỗi tháng, chị Thùy Dương tiêu thụ từ 500kg đến 1 tấn dưa gang, dưa leo của chị em phụ nữ trong xã Minh Đức trồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Khởi nghiệp từ năm 2020 đến nay, sản phẩm dưa muối Tân Hương của chị Huỳnh Thị Thùy Dương đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Tháng 10-2023, chị Dương tham dự cuộc thi khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động. Sản phẩm dưa muối Tân Hương, xã Minh Đức đã đạt giải khuyến khích, lọt vào top 7/156 sản phẩm của tỉnh.

Xã Minh Đức - nơi có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Tuyên Linh nằm bên cạnh dòng sông Tân Hương - đã tạo điều kiện cho sản phẩm dưa muối Tân Hương phát triển nhờ thường xuyên có khách du lịch đến tham quan. Đây cũng là lợi thế phát triển sản phẩm dưa muối thành sản phẩm du lịch khách đến tham quan mua về làm quà.

Trong tình yêu dành cho quê hương mình, chị Huỳnh Thị Thùy Dương chia sẻ: “Tôi tin rằng món dưa muối Tân Hương không chỉ là món ăn truyền thống được ưa chuộng của những người con quê hương xã Minh Đức, mà còn được lan tỏa xa hơn khắp nơi ở mọi miền đất nước”.

Tiếp tục phát huy

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn huyện Mỏ Cày Nam hiện có 47 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, với 26 chủ thể. Trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 43 sản phẩm đạt 3 sao. Để phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024, UBND huyện đề nghị các ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện và kế hoạch của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, có nhiệm vụ tiếp tục thực hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, phát triển mới 5 sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình trong 6 tháng cuối năm 2024.

Thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, thời gian qua, hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm do phụ nữ sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tổ chức 5 lớp tập huấn tuyên truyền hướng dẫn thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá các sản phẩm… có 350 người tham gia, trong đó, có 13/13 chủ thể OCOP là phụ nữ.

Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Theo Kế hoạch số 596/KH-UBND ngày 30-1-2024 của UBND tỉnh về “Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre năm 2024”, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, phấn đấu có 20% chủ thể là hợp tác xã. Có ít nhất 10% chủ thể làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Đồng thời, tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể tiếp cận với các kênh bán hàng, sàn giao dịch điện tử, nhằm tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Phấn đấu, xây dựng 5 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN