Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế hướng Đông, bài 3

Đa dạng sản phẩm OCOP bản địa

10/04/2024 - 05:26

BDK - Chả tôm, chạo tôm, tôm khô xẻ bướm... là các sản phẩm OCOP nổi bật của huyện Thạnh Phú. Tận dụng nguồn nguyên liệu tôm tươi tại chỗ, người dân huyện biển đã làm ra nhiều sản phẩm hấp dẫn xuất xứ “made in Thạnh Phú”. Nhờ đó, câu chuyện “hướng Đông” của tỉnh thêm sức sống mới và gia tăng giá trị kinh tế.

Hoạt động đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại huyện Thạnh Phú.

Hoạt động đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại huyện Thạnh Phú.

Tăng giá trị cho con tôm

Huyện Thạnh Phú có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt đến mức nổi tiếng cả vùng, cả nước như: Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 Lê Văn Sấm (Ba Sấm), nông dân tỷ phú Đặng Văn Bảy (Bảy An), hoa hậu Doanh nhân Tài sắc Việt Nam 2023 Phan Thị Mỹ Linh. Thạnh Phú sở hữu thế mạnh có nguồn nguyên liệu tôm tươi rất dồi dào. Không bỏ qua cơ hội này, chàng trai 9X Phan Đức Anh, ngụ xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú đã cho ra đời 5 sản phẩm OCOP từ nguyên liệu tôm tươi.  

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, Giám đốc Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh Phan Đức Anh là chủ thể duy nhất tại huyện tự viết đủ bộ hồ sơ OCOP cho sản phẩm của mình. Hồ sơ OCOP thì không dễ làm vì bao trùm các lĩnh vực từ nông nghiệp, y tế, kinh tế... Ngày 17-1-2024, UBND huyện Thạnh Phú có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và khen thưởng sản phẩm OCOP huyện Thạnh Phú đợt 3 năm 2023. Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh là chủ thể của 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, gồm: chả tôm sú, chả cá măng, bánh phồng tôm, chạo tôm, tôm khô xẻ bướm, chả tôm thẻ.

Giám đốc Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh Phan Đức Anh cho biết: “Nguồn nguyên liệu tôm tươi tại huyện Thạnh Phú rất dồi dào. Vì nuôi tôm công nghệ cao, sản lượng lớn gấp 10 lần so với nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, trên cùng một diện tích. Sử dụng tôm tươi tại chỗ để chế biến giúp sản phẩm làm ra thơm ngon, giữ được độ dai và ít bị hao hụt về nguyên liệu”.

Vì sao một chàng trai đôi mươi lại chọn khởi nghiệp với sản xuất sản phẩm OCOP? Phan Đức Anh chia sẻ: “Vì sản phẩm OCOP là giá trị cốt lõi của một địa phương. Chính quá trình tự tìm hiểu và làm hồ sơ OCOP, tôi hiểu sản phẩm được Nhà nước công nhận phải thực sự là sản phẩm sạch với nhiều tiêu chuẩn chỉn chu. Để được công nhận sản phẩm OCOP không phải chuyện dễ, nhưng đây là khởi đầu tốt cho một sản phẩm phát triển mạnh về sau”.

Giám đốc Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh cho hay, ước tính giá trị gia tăng của tôm khi qua chế biến thành phẩm tăng từ 20 - 30% so với tôm thô nguyên liệu.

Kênh quảng bá hữu hiệu

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 có đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người khu vực biển cao hơn mức bình quân của tỉnh”. Theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội trong năm 2023, GRDP bình quân đầu người tại tỉnh ước 53,02 triệu đồng/người.

Thời gian qua, huyện Thạnh Phú rất xem trọng việc đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Chỉ tính trong năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú đã phối hợp với các xã hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ theo hướng có chất lượng cao. Tham mưu UBND huyện trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP huyện đánh giá, phân hạng 2 đợt. Có tổng cộng 18/19 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao, đạt 300% chỉ tiêu giao (18/6 sản phẩm). Lũy kế đến nay, toàn huyện có 42 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 39 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận đạt 3 sao (có 1 sản phẩm OCOP về du lịch).

UBND huyện Thạnh Phú còn hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ An và HTX Lúa - tôm An Nhơn xây dựng 2 điểm giới thiệu trưng bày và bán các sản phẩm OCOP địa phương. Hỗ trợ HTX Phú Nông thực hiện mô hình nuôi gà thảo dược. Đến nay, đã có sản phẩm và đang chuẩn bị hoàn chỉnh các thủ tục trình Hội đồng OCOP huyện đánh giá sản phẩm đạt OCOP.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú Lê Văn Tiến cho biết: Năm 2024, huyện Thạnh Phú tiếp tục triển khai Chương trình OCOP. Huyện sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế của các xã, thị trấn và huyện trong sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực nông thôn. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao việc kết nối tiêu thụ và giá trị kinh tế của các sản phẩm, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Các sản phẩm OCOP tại huyện Thạnh Phú đang đóng góp một phần công sức trong việc gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, giúp giải quyết việc làm cho lao động và quảng bá hình ảnh huyện biển Thạnh Phú đến với bạn bè gần xa.

Theo ghi nhận của UBND huyện Thạnh Phú, chế biến thủy sản (chủ yếu là sơ chế) trên địa bàn huyện trong quý 1-2024 ước khoảng 3.875 tấn. Chế biến thủy sản trên địa bàn từng bước được đa dạng hóa, với một số cơ sở đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN