Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế hướng Đông, bài 2

Du lịch sinh thái cộng đồng, thân thiện môi trường

08/04/2024 - 05:30

BDK - Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh về hướng Đông, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, du lịch (DL) là một trong những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên đầu tư. Đi dọc chiều dài của huyện Bình Đại, phong cảnh và sản vật đa dạng, biến đổi theo từng vùng sinh thái ngọt - lợ - mặn. Với Tuyến đường ven biển đang được tỉnh xúc tiến hồ sơ đầu tư, trong tương lai, Bình Đại sẽ là điểm đón du khách lý tưởng để nghỉ ngơi, khám phá.

Du khách trải nghiệm hái lá sâm trên cù lao Tam Hiệp.

Du khách trải nghiệm hái lá sâm trên cù lao Tam Hiệp.

Ngọt - mặn từ sản vật

Huyện Bình Đại nằm trên cù lao An Hóa của tỉnh. 3 vùng sinh thái ngọt - lợ - mặn tại huyện Bình Đại rõ rệt hơn các huyện khác nhờ địa thế trải dài từ đất liền ra biển. Phong cảnh, sản vật của Bình Đại rất đa dạng. Nhận diện được thế mạnh này, huyện đang có nhiều nỗ lực tập trung “phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương vào năm 2025”.

Xã Tam Hiệp ở tiểu vùng 1 của huyện Bình Đại. Xã đảo này 4 bề là sông nước, có hơn 574ha đất sản xuất nông nghiệp và nhãn là cây trồng nổi tiếng nhất ở đây. Diện tích cây nhãn gần như bao trùm, với 548ha, gồm: nhãn xuồng cơm vàng, nhãn quế, nhãn Ido… với tổng sản lượng hàng năm ước đạt hơn 5 ngàn tấn. Để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, người dân Tam Hiệp được chính quyền khuyến khích mô hình kinh tế vườn “dừa và nhãn”. Đây là điều kiện, tiềm năng để xã Tam Hiệp đột phá xây dựng và thu hút đầu tư các mô hình phát triển DL, nhất là DL sinh thái và DL homestay, DL trải nghiệm.

DL Bình Đại tuy đi sau so với các huyện trong tỉnh. Để tạo sự khác biệt, người dân làm DL ở huyện chọn con đường riêng, không theo số đông. Chị Phạm Thị Ngọc Trinh - chủ Homestay Út Trinh, tại xã Tam Hiệp cho biết: “Du khách, nhất là khách châu Âu rất thích nơi yên tĩnh, mát mẻ. Xã đảo Tam Hiệp sở hữu được thế mạnh đó. Chúng tôi chọn hướng đi phục vụ nhóm khách “không thích nơi đông đúc”. Xã có 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước lợ, thổ nhưỡng đã giúp cây cho trái rất ngon, hương vị đặc trưng riêng biệt. Dừa xiêm có vị ngọt mặn. Bưởi da xanh ngọt đậm. Giá trị cao nhất vẫn là trái nhãn xuồng. Cơm nhãn to dày, khô và ngọt mặn. Trái nhãn xuồng sấy khô chỉ có trên xã Tam Hiệp. Kể cả mật ong ở đây cũng thơm mùi rất riêng, đó là mùi nhãn”.

Xã Tam Hiệp vừa được đầu tư xây dựng tuyến đường chính mở rộng và kiên cố. Bên cạnh đó, người dân Tam Hiệp ngày càng nhận thức được giá trị của DL nên số lượng hộ tham gia làm DL cộng đồng ở xã ngày càng tăng.

Trong thời gian tới, vị thế của huyện Bình Đại sẽ ngày càng cạnh tranh trên bản đồ DL đồng bằng sông Cửu Long khi có nhiều công trình, dự án giao thông nội tỉnh, liên vùng sẽ được đầu tư theo kế hoạch của tỉnh và Trung ương. Cụ thể như: Tuyến đường động lực ven biển, cầu Ba Lai 8, cầu Cửa Đại... đường cao tốc qua xã Tam Hiệp, Long Định, Long Hòa. Đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận (ĐTDK.07) dài 8,8km. Đường Bắc Nam nối Giồng Trôm - Bình Đại phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận và Cụm công nghiệp Phong Nẫm (ĐT.DK.08). Xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú. Hoàn thành công trình củng cố, nâng cấp và bổ sung khép kín tuyến đê biển huyện Bình Đại (đoạn từ cống Bến Đình đến cống Bà Nhựt) dài 2,45km.

 “Nở rộ” điểm du lịch mới

Những năm gần đây, DL sinh thái vùng ven biển tại 3 huyện biển phát triển khá nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Riêng tại Bình Đại, tổng số lượt khách DL đến huyện trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 81.089/180.000 lượt khách. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, DL đang là ngành kinh tế “hot” của Bình Đại khi tổng lượt khách DL từ năm 2021 đến nay ước 464.235/300.000 lượt, đạt 154,74% so với chỉ tiêu huyện đề ra. Doanh thu từ khách DL trên 92 tỷ đồng.

Nhiều điểm DL mới liên tục ra đời và tạo được điểm nhấn riêng cho huyện. Bình Đại có 11 điểm đến DL phát triển mới gần đây như: homestay Út Trinh tại xã Tam Hiệp, dịch vụ xuồng chèo Tám Cò, vườn lá sâm anh Cường, dệt thảm thủ công chị Cần, điêu khắc gỗ mỹ nghệ anh Thịnh (Tam Hiệp); Homestay Cồn Bà Tư tại ấp Thới Hòa 2, xã Thới Thuận; Homestay Người giữ rừng xã Thạnh Phước; điểm DL vườn Dừa Dứa cống đập Ba Lai tại xã Thạnh Trị...

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Đại Lư Văn Nhường cho biết: “Tỉnh có 65km chiều dài bờ biển; trong đó, Bình Đại chiếm 27km. Huyện tự hào vì có hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, rừng ngập mặn diện tích rộng lớn, mang đến nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho việc nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản và cả phát triển DL. Với chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông, Bình Đại đang thừa hưởng các thế mạnh về đầu tư hạ tầng từ chủ trương này trong lĩnh vực DL. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến phát triển DL theo hướng bền vững và thân thiện môi trường”.

Mới đây, huyện Bình Đại đã phê duyệt hoàn thành Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu du dịch sinh thái biển Thừa Đức, quy mô khoảng 6,7ha; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu nông nghiệp và DL cồn Phú Long, huyện Bình Đại, quy mô khoảng 10ha. Huyện đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét trình UBND tỉnh cho chủ trương đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất triển khai thực hiện khu DL theo quy hoạch.

Cú hích từ chủ trương hướng Đông đang làm bật dậy tiềm năng, thế mạnh cạnh tranh của từng huyện biển. Sở hữu vị trí gần TP. Hồ Chí Minh và trong tương lai với nhiều dự án giao thông quan trọng đi qua, Bình Đại sẽ là điểm đến đón du khách lý tưởng để nghỉ ngơi, khám phá.

“Bình Đại đang mời gọi đầu tư 7 dự án phát triển DL trên địa bàn huyện, gồm: Khu phức hợp đô thị DL nghỉ dưỡng Thừa Đức. Khu DL sinh thái rừng phòng hộ ven biển Thừa Đức. Khu DL sinh thái nghỉ dưỡng Tam Hiệp. Khu DL sinh thái nghỉ dưỡng Vàm Bình Trung. Khu phức hợp đô thị DL nghỉ dưỡng Cồn Chày Mười. Khu thể thao, DL giải trí xã Thừa Đức. Điểm DL sinh thái, ẩm thực, Khu trại giống cũ xã Thới Thuận”.

 (Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Đại Lư Văn Nhường)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích