BDK - Kinh tế thủy sản là một trong những ngành kinh tế biển chủ lực mà tỉnh đề ra nhiệm vụ phải phát triển đột phá. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2020 - 2025), huyện Ba Tri đã thu hút 1.300 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là vốn đầu tư cho hạ tầng nuôi tôm. Với lợi thế này, Ba Tri đang sở hữu điểm mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế thủy sản.
Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp Cảng cá Ba Tri (còn gọi là Cảng cá Ba Tri mới).
Đầu tư nâng cấp
Một trong những nhiệm vụ phát triển tỉnh về hướng Đông là nhằm “cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và của khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng; là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh”. Tỉnh sẽ phát triển đột phá một số ngành kinh tế biển chủ lực, trong đó có kinh tế thủy sản. Để phát triển kinh tế thủy sản theo hướng gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu, phát triển các hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, môi trường và vệ sinh thực phẩm, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn, cần hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản.
Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, kể từ năm 2020 đến nay, huyện Ba Tri đã thu hút 1.300 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Đặc biệt, vốn đầu tư cho hạ tầng nuôi tôm. Đây là lợi thế của huyện Ba Tri trong phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Từ nguồn vốn đó, hàng loạt hạ tầng tại huyện Ba Tri đã được đầu tư như: Dự án (DA) khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp Cảng cá Ba Tri (còn gọi là Cảng cá Ba Tri mới). DA nhằm phát triển bền vững kinh tế thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho cấp huyện, cấp tỉnh và đóng góp cho mục tiêu phát triển cấp vùng. Cảng cá Ba Tri mới có tổng mức đầu tư hơn 253 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nạo vét tuyến luồng trên rạch Bắc Kỳ dài 3,5km, xây dựng 170 trụ neo tàu, đường công vụ dọc theo khu neo đậu bờ Đông chiều dài 2,648km, đắp đất bù đến cao trình +2m, xây dựng 8 phao báo hiệu kết cấu bằng composite bố trí 2 bên luồng, xây dựng 4 cột báo hiệu khu vực neo đậu, cầu tàu 1.000CV, kè bảo vệ bờ phía sông Hàm Luông, kè bảo vệ bờ phía rạch Bắc Kỳ... Đến nay, DA khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp Cảng cá Ba Tri đã thi công xây dựng hoàn thành, đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao đưa công trình vào sử dụng. DA hệ thống xử lý nước thải phục vụ Cảng cá Ba Tri, với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng. Hiện đã thi công xây dựng hoàn thành, chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Địa điểm xây dựng tại thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri.
Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê cho biết: “Huyện mong muốn Cảng cá Ba Tri mới sớm được bàn giao để đưa vào khai thác hoạt động, tận dụng hạ tầng mới được đầu tư, giúp huyện phát huy các thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế thủy sản”.
Hoàn thiện hạ tầng
Thời gian qua, huyện Ba Tri đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đến tất cả cán bộ, công chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện.
DA hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư năm 2022. DA có tổng kinh phí 164 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương do Bộ quản lý 160 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương. Huyện được đầu tư 6 tuyến đường với chiều dài 18,7km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A, đường cấp V, VI đồng bằng và xây dựng 1 cầu, 18 cống trên tuyến; xây dựng mới tuyến trung thế 3 pha dài khoảng 24,2km và 26 trạm biến áp đảm bảo phục vụ sản xuất. DA được triển khai tại xã An Thủy (nay là thị trấn Tiệm Tôm) và xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Tiệm Tôm Nguyễn Văn Thủ cho hay: “Người dân thị trấn Tiệm Tôm được hưởng lợi rất nhiều từ DA hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri. Trước đây, người dân vận chuyển thức ăn nuôi tôm rất khó khăn. Nay người dân vui mừng lắm vì đường sá và điện được đầu tư”.
Mục tiêu của DA hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri nhằm đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản (khoảng 2.000ha, trong đó có 500ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao), góp phần thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản và cải thiện đời sống cho người dân trong vùng DA.
Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri Lê Văn Tuấn cho biết: Bảo Thuận được đầu tư 3 tuyến đường để phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Người dân vui mừng vì không còn cảnh đi bờ đê nữa. Đường điện 3 pha cũng đang được kéo về. Nhờ đó, chính quyền và người dân xã Bảo Thuận mạnh dạn làm hồ sơ thành lập Hợp tác xã Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (của xã Bảo Thuận, Bảo Thạnh và thị trấn Tiệm Tôm), đặt trụ sở tại xã Bảo Thuận”.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 17-11-2023 dư báo sẽ mở ra một làn sóng về cơ hội đầu tư mới tại tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.372ha; quy hoạch phát triển 14 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 918ha. Đến năm 2030, huyện Ba Tri dự kiến thành lập mới Khu công nghiệp Bảo Thạnh, với diện tích dự kiến 153ha. Đồng thời, bổ sung mới Cụm công nghiệp Tân Xuân, diện tích dự kiến 70ha.
Quý I-2024, tổng diện tích thả nuôi thủy sản của huyện Ba Tri là 3.302/5.047ha, trong đó, diện tích thả nuôi tôm thâm canh đến nay 301/1.600ha, đạt 18,81% kế hoạch. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao 380/500ha, đạt 76% so với kế hoạch, hạ tầng phục vụ vùng nuôi đang dần được đầu tư nâng cấp hoàn thiện. Huyện phấn đấu tập trung xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao đến năm 2025 đạt diện tích 500ha, sản lượng 18 ngàn tấn, chủ yếu tập trung ở xã Bảo Thuận, Bảo Thạnh và thị trấn Tiệm Tôm, trong đó, chọn xã Bảo Thuận xây dựng vùng nuôi thí điểm tập trung 300ha.